Tin tức sự kiện
Thứ hai 28/7/2025
Lai Châu khởi sắc sau hơn 14 năm chia tách, thành lập
 

 Tỉnh Lai Châu được thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI trên cơ sở chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) và sáp nhập huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai.

 

   
  

 Sau khi chia tách, Lai Châu là tỉnh nghèo nhất cả nước; địa hình núi cao hiểm trở, địa hình rộng nhưng thiếu đất canh tác, sản xuất; xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại khó khăn; quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp; tỷ lệ đói nghèo cao; nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng; mặt bằng dân trí và chất lượng lao động thấp.

   
 Sau hơn 14 năm chia tách, nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của quân và Nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, Lai Châu đã đạt được một số thành tựu nổi bật như tốc độ tăng trưởng GDP bình năm 2017 đạt 11,66%. Cơ cấu GDP chuyển biến tích cực, nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 47,4% năm 2004 xuống còn 16% năm 2017; công nghiệp - xây dựng tăng từ 23,9% năm 2004 lên 47,64% năm 2017; dịch vụ tăng từ 28,8% năm 2004 lên 36,36% năm 2017. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 2,6 triệu đồng năm 2004 lên 25 triệu đồng năm 2017. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng từ 24 tỷ đồng năm 2004 lên 2.011 tỷ đồng năm 2017, ước năm 2018 đạt 2.123 tỷ đồng.

   
 Nông nghiệp phát triển khá, tổng sản lượng lương thực năm 2017 đạt 215 nghìn tấn, tăng 22% so với năm 2004 (121 nghìn tấn). Cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước chuyển dịch phù hợp, đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại huyện Tân Uyên và Than Uyên với tổng diện tích trên 1.700 ha trồng và vùng tập trung trồng cây công nghiệp: Chè, Cao su, Quế, Mắc ca,… Trong đó, chương trình phát triển cây Cao su đã thực sự đem lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng trồng cây cao su; góp phần bảo vệ và ổn định chính trị hành lang biên giới của quốc gia. Đến nay, tổng diện tích Chè toàn tỉnh là 5.030 ha, Cao su 13.220 ha, Quế là 2.495 ha và Mắc ca là 1.000 ha. Việc trồng và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 đạt 48,04%, tăng 11,84% so với năm 2004.

  
Kết cấu hạ tầng đô thị được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ưu tiên nguồn lực đầu tư nhất là các đô thị mới: Thành phố Lai Châu, Thị trấn Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Nậm Nhùn. Bộ mặt các đô thị thay đổi tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô, đường ra biên giới, tuần tra biên giới,... được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, đã có 97/98 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tăng 21 xã so với năm 2004. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện 92%, tăng 63,87 điểm % so với năm 2004. Năm 2004, toàn tỉnh chưa có công trình nước sạch, đến hết năm 2017, đã có 7/8 thị trấn, thành phố có nhà máy cấp nước, còn lại sử dụng nước sinh hoạt qua trạm xử lý thô; 78,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng 39,5% so với năm 2004. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục được kiên cố, đã hoàn thành việc kiên cố và bán kiên cố 84,4% tổng số phòng học. Hạ tầng y tế quan tâm đầu tư phát triển từ tỉnh đến cơ sở, đến nay có 1.230 giường bệnh công lập, đạt 27,45 giường bệnh/vạn dân, tăng 725 giường bệnh so với năm 2004; có 70/108 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hạ tầng văn hóa, thể thao, phát thanh truyền hình được quan tâm phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

   
 Công tác di dân tái định cư các thủy điện được tỉnh coi là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh sau khi chia tách và bằng nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh nên công tác di dân TĐC các dự án thuỷ điện của tỉnhđã đảm bảo tiến độ yêu cầu. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã di chuyển 8.940 hộ dân TĐC Thủy điện Sơn La và Bản Chát, Huội Quảng và Lai Châu, hầu hết các hộ dân TĐC có nhà ở khang trang hơn nơi ở cũ, đời sống vật chất, tinh thần của dân TĐC ổn định, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy.

 

 Bám sát đặc điểm mọi mặt của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, ở các cấp, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững đã thường xuyên được củng cố, kiện toàn.Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quan điểm và các nội dung, chính sách của Đảng liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo cũng được thực hiện có hiệu quả. Thông qua những hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đã giúp cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa của công tác xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, thông qua thực hiện hàng loạt những chương trình, dự án đào tạo nghề gắn với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo chương trình 135, 134, 30a…, đến nay, Lai Châu đã có trên 31.000 lượt lao động nông thôn được học nghề. Đa phần các hộ nghèo đã được nâng cao nhận thức, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với đất đai, hoàn cảnh của mình và mạnh dạn trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt để phấn đấu thoát nghèo. Đến năm 2017, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh đã giảm xuống còn 29,83%.

  
 Bên cạnh công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, tỉnh rất coi trọng chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những đòn bẩy quan trọng để phát triển toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Cho đến nay, với sự cố gắng của đảng bộ, chính quyền các cấp, tỉnh đã có 24 xã (chiếm 25% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, số xã còn lại trong toàn tỉnh đều đạt và xấp xỉ đạt 12 tiêu chí, không còn xã nào dưới năm tiêu chí. Ðặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 95 trong số 96 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về giao thông lên 45 trong số 96 xã đạt; hệ thống thủy lợi tiếp tục được xây dựng, duy tu, bảo dưỡng với 89 trong số 96 xã đạt tiêu chí. Ngoài ra, hạ tầng lưới điện cũng được đầu tư hiện đại với 100% các xã có điện, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về điện trong toàn tỉnh lên 82 trong số 96 xã.

    
 Các hoạt động giáo dục đào tạo nâng cao dân trí có nhiều tiến bộ.Chất lượng giáo dục đều tăng qua các năm học, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn từng bước rút ngắn so với vùng phát triển.Công tác phổ cập giáo dục chú trọng quan tâm.Đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2009.Lĩnh vực y tế được quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân nâng lên, nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị đưa vào sử dụng. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân tăng từ 2,51 bác sỹ năm 2004 lên 9,08 bác sỹ năm 2017, tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ biên chế tại trạm 13,89%. Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe.Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều khởi sắc.Phong trào thể dục, thể thao phát triển rộng trên địa bàn toàn tỉnh.Hoạt động thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, góp phần nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

   
 Hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; bộ máy hành chính của tỉnh đã được xây dựng và củng cố toàn diện; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp từng bước được nâng cao. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng, an ninh được giữ vững, khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được củng cố. Các tuyến phòng thủ biên giới, các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh được tăng cường góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
  

 
Thu Hoài
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Chủ trương thực hiện và giải ngân các nguồn vốn năm 2018 đã giao cho các ngành   (18/12/2018)
  • Họp nhóm công tác LH các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên với tỉnh Vân Nam(Trung Quốc)   (12/12/2018)
  • Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018   (11/12/2018)
  • Triển khai kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội và dự toán ngân sách địa phương năm 2019   (11/12/2018)
  • Phát biểu bế mạc kỳ họp của đồng chí Vũ Văn Hoàn - Chủ tịch HĐND tỉnh   (10/12/2018)
  • Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh, khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 bế mạc   (10/12/2018)
  • Kỳ họp HĐND tỉnh thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIV lấy phiếu miễn nhiệm, bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh   (09/12/2018)
  • Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đáp ứng sự tín nhiệm của đại biểu   (08/12/2018)
  • Tiếp tục Kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa XIV   (08/12/2018)
  • Khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ tám khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021   (08/12/2018)
  • Kiến nghị của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên   (07/12/2018)
  • Giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết Đơn đề nghị của Công ty TNHH MTV Tiến Chanh   (04/12/2018)
  • Giải quyết các chất vấn tại kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh.   (04/12/2018)
  • Đề xuất danh mục TTHC trình Thủ tướng Chính phủ   (04/12/2018)
  • Dự thảo BC: Sơ kết ĐA phát triển hạ tầng thiết yếu các khu SXNN hàng hoá tập trung 2016-2020   (03/12/2018)