Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) với điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi giao ban.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến
Dự giao ban tại đầu cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Theo báo cáo UBND tỉnh, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/3/2019 tại một số hộ chăn nuôi lợn của xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) đến nay, bệnh DTLCP xuất hiện tại 91 hộ, 27 bản, 12 xã của 4 huyện: Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ. Tổng số lợn mắc bệnh là 109 con, trong đó 45 con đã chết; tổng trọng lượng buộc phải tiêu hủy là 13.861 kg với 259 con. Nguyên nhân phát dịch là do thói quen sử dụng thịt không rõ nguồn gốc, thịt lợn bán rong, không được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn được bán ở các xã vùng sâu, vùng xa; phương tiện vận chuyển thức ăn, lợn thịt xuất chuồng vào trại không được tiêu độc khử trùng; con người, phương tiện ra vào vùng dịch là những nguyên nhân làm lây lan dịch.
Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các huyện cử cán bộ kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh và hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm với 18/44 mẫu dương tính với bệnh DTLCP; tổ chức tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh. Thành lập các chốt gác kiểm dịch động vật tại đường ra vào địa bàn xã có dịch; thực hiện việc tiêu độc khử trùng tại các hộ có ổ dịch và gia đình lân cận…
.jpg)
Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tại huyện Tam Đường
Thời gian tới, tỉnh tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, Nhân dân về bản chất dịch bệnh, biện pháp phát hiện phòng, chống dịch; các ngành chức năng của tỉnh tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố; tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn các bản có dịch và những vùng có nguy cơ cao; duy trì các chốt kiểm dịch động vật; tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đường thủy nội địa nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn và các sản phẩm của lợn chưa qua kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; duy trì thường xuyên các chốt kiểm dịch động vật.
Tại Hội nghị, các đại biểu nêu lên một số khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP như: Một số người dân chưa đồng thuận trong dập dịch; bà con vẫn chăn thả rông lợn; công tác tuyên truyền, vận chuyển vật tư dập dịch còn khó khăn;…
Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố nêu cao tinh thần làm tốt công tác dập dịch; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn và không để dịch lây lan sang địa bàn chưa có dịch; các huyện, thành phố chưa có dịch cần triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch, nếu phát hiện bệnh dịch phải xử lý ngay; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch; hướng dẫn các chốt kiểm dịch động vật triển khai đúng quy trình, đúng quy định; các xã bị nhiễm bệnh DTLCP cần phong tỏa tuyệt đối không vận chuyển sản phẩm ra ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh, các nguyên nhân phát sinh bệnh dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính ngay sau buổi giao ban tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định về mức độ hỗ trợ cho các gia đình có lợn bị mắc bệnh; Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các huyện lập thêm các chốt tại các điểm theo đề xuất các huyện; Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm hỗ trợ các huyện nếu các huyện có đề xuất để hướng dẫn Nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch;...