Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững vào sáng nay (23/4).
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Hội nghị có đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh
5 năm qua, công tác Hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện và hiệu quả, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng tại diễn đàn khu vực như: Mê-Kông, ASEAN, ASEM, APEC… Công tác bảo hộ công dân luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với gần 45.000 lượt công dân gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài được bảo hộ trong năm 5 qua. Công tác đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do đạt được những đột phá, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tích cực, đến hết năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD…
Đối với tỉnh Lai Châu, công tác Hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện và đạt kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hội nhập quốc tế được kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Trọng tâm là tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, các làng nghề truyền thống, chương trình xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phương hướng trọng tâm của công tác Hội nhập quốc tế trong thời gian tới và đưa ra các giải pháp chủ yếu như: Làm sâu sắc hơn quan hệ của nước ta với các đối tác, đưa quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng, biến đổi khí hậu, bảo hộ công dân; tăng cường nghiên cứu, cảnh báo sớm trước những diễn biến mới của các xung đột thương mại trong khu vực…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0; phải xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm (2016-2020) và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030)...