Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ làm công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã không ngừng được củng cố; chất lượng hiệu quả hoạt động được nâng cao. Từ đó góp phần tích cực giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giảm tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư; giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Xác định công tác hòa giải cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong giữ vững ổn định an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở và ban hành hướng dẫn rà soát, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh.
Để Luật Hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, tỉnh đã tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các hoạt động hưởng ứng, tham gia hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc; qua các hoạt động hưởng ứng thực hiện ngày pháp luật... đã tuyên truyền cho cán bộ, Nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Trong 5 năm toàn tỉnh đã tổ chức được 50 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho 2.560 lượt hòa giải viên; tổ chức tuyên truyền pháp luật về hòa giải được 5.405 cuộc cho 245.350 lượt người. Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành trên 1.500 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, cung cấp trên 120.000 tờ gấp pháp luật cấp phát cho Tổ hòa giải ở cơ sở và người dân trên địa bàn tỉnh;…
Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở luôn được UBND các cấp quan tâm: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho những người thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; 100% công chức thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đều được tham dự các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố tổ chức.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.157 Tổ hòa giải với 6.115 hòa giải viên; 100% công chức thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở có trình độ chuyên môn về pháp luật. Mạng lưới Tổ hòa giải đã được thành lập rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mỗi thôn, bản, tổ dân phố có 01 tổ hoà giải. Mỗi tổ hòa giải trung bình có từ 5-7 thành viên, hầu hết là người có uy tín, có sức khỏe tốt, am hiểu pháp luật và có uy tín đối với người dân nơi cư trú. Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở luôn gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, việc bầu và miễn nhiệm tổ trưởng, tổ viên tổ hòa giải được thực hiện nghiêm túc theo đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng chí Lê Thanh Hải – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2013 đến nay, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã tiến hành hòa giải 4927 vụ việc, trong đó số vụ hòa giải thành là 4212 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành công đạt 85%.
So với các địa phương trong tỉnh, thành phố Lai Châu được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình thực hiện tốt Luật Hòa giải. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 74 tổ hòa giải với 353 hòa giải viên cơ sở; đội ngũ hòa giải viên cơ sở hầu hết là những cán bộ hưu trí am hiểu về pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trong năm 2018, thành phố có 14 vụ cần được hòa giải thì các tổ đã hòa giải thành công 10 vụ, 3 vụ chuyển lên cấp trên còn 1 vụ đang hòa giải.
Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hạn chế đơn thư vượt cấp, xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở, nhiều mô hình hay, cách làm mới ra đời đã giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được thực hiện ngay tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, hoà giải còn là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với từng vụ việc cụ thể, vì vậy có hiệu quả trực tiếp, thiết thực đối với người dân; ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, giảm bớt những vụ việc phải đưa ra cơ quan xét xử, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở tại tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận đội ngũ hòa giải viên cơ sở nhìn chung còn chưa đồng đều; việc biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có thành tích xuất sắc tại một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan còn chưa chặt chẽ.
Giám đốc Sở Tư pháp cho biết thêm: Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp sẽ tăng cường công tác giám sát, phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với cơ quan tư pháp trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải.