Với những giàn nhũ đá rủ xuống như tái hiện một hình ảnh nào đó thân quen của cuộc sống như giàn hoa, vườn rau… Lộng lẫy bốn bề là những cột tháp nhũ trắng trong như những cột thủy tinh sừng sững quanh hồ nước tạo nên vô số các hình hài vừa quen vừa lạ làm phong phú trí tưởng tượng của du khách. Đó chính là Khu du lịch quần thể hang động PuSamCap, điểm du lịch lý tưởng mới đang được nhiều người tìm đến.
Khu du lịch quần thể hang động PuSamCap chỉ cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 6km về phía Tây, theo đường tỉnh lộ 129 đi cao nguyên Sìn Hồ có dãy núi đá vôi hình thành từ kỷ nguyên kiến tạo, dạng địa hình Kast tạo nên hệ thống hang động trong lòng núi với nhiều nhũ đá kỳ ảo, nhiều hang động nằm ở hệ thống núi Pusamcap với độ cao từ 1.300 đến 1.700m so với mặt nước biển.
Pusamcap theo tiếng Thái có nghĩa là Núi ba vỉa; dãy núi xuất phát từ Sì Lở Lầu (Phong Thổ) chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến Bình Lư (Tam Đường). Địa danh gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Phong Thổ - Tam Đường. PuSamCap được ví như những người đẹp ngủ quên giữa rừng sâu. Vẻ đẹp nguyên sơ của hang động PuSamCap không hề kém cạnh nếu đem so với bất kỳ hang động nào đã thành danh như quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), động Thiên Cung (Quảng Ninh), động Ngườm Ngao (Cao Bằng)...
Quần thể hang động PuSamCap là một sản phẩm hoàn mỹ của thiên nhiên ban tặng cho Lai Châu, với hơn 10 hang lớn nhỏ, trong đó có 3 hang động lớn đã và đang trong quá trình được đưa vào khai thác là: Động Thiên Môn, Động Thiên Đường và Động Thủy Tinh. Năm 2007, quần thể di tích thắng cảnh PuSamCap đã được khai thác phục vụ nhu cầu thăm quan, thưởng ngoạn của du khách gần xa.
Theo sự chỉ dẫn của ban quản lý hang động, từ dưới chân núi, chúng tôi men theo lối bậc đá đi lên núi để bắt đầu chuyến hành trình khám phá của mình. Đoạn đường đầu tiên không quá khó khăn, chỉ cần đi lên vài trăm mét, động Thiên Môn đã hiện ra với vòm cửa lớn và sâu hun hút. Động Thiên Môn hiện ra trược mắt chúng tôi với vòm cửa lớn, bên trong sâu hun hút. Bước chân vào cửa hoang chúng tôi đã cảm nhận được hơi lạnh từ đá toả ra, từng giọt nước từ nhũ đá nhỏ xuống nghe tí tách như một bản giao hưởng thính phòng êm á, có khi rơi vào mặt, vào tóc tạo cho chúng tôi có cảm giác như đi trong cơn mưa đầu mùa hạ. Vào đến đây mặt ai cũng mắt to bới cơ man những “tác phẩm nghệ thuật” sống động mà “mẹ thiên nhiên” đã dựng lên từ đá.
Trung tâm động là vòm hang cao rộng với diện tích lên tới 6000m2. Mặt nền hang tương đối bằng phẳng, xen kẽ với những vụng nước lớn nhỏ khác nhau. Càng vào sâu bên trong, hình thù của các nhũ đá và những vách hang càng biến đổi kỳ thú, trở nên muôn hình vạn trạng. Từ cột nhũ vàng sừng sững, những suối nhũ kỳ lạ cho đến những triền đá thoai thoải tựa hồ như những dãy ruộng bậc thang của núi đồi Tây Bắc. Xung quanh vòm hang là những hố sâu mà đứng trên một mỏm đá nhìn xuống ta sẽ có cảm giác như đang đứng trên một thế gian muôn màu, muôn vẻ.

Vẻ đẹp của các nhũ đá tại hang Thiên Đường - động PuSamCap
Vào sâu hơn nữa là rất nhiều những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng. Những hình thù mang tính trừu tượng nhiều ẩn dụ cứ nối nhau muôn hình không dứt. Tất cả như một kho mật mã chất chồng khiến ta phải dừng chân lại mà mải mê nhìn ngắm, tưởng tượng hay giải mã cho những đắm chìm trong huyền bí của trời đất. Xuống phía cuối hang một luồng sáng yếu ớt mang đến khoảng không gian tương phản sáng tối mờ ảo.
Rời động Thiên Môn, tiếp tục nửa tiếng luồn rừng, ta bắt gặp cửa động Thiên Đường. Với những đường nét nguyên sơ, tự nhiên đầy hấp dẫn, Thiên Đường thu vào tầm mắt du khách như một bức tranh sơn thủy. Ngay gần cửa động, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là một con sư tử đá với dáng ngồi sừng sững, oai vệ như một vị thần canh gác, bảo vệ trung thành. Xuống dười nền động là cảm giác ngỡ ngàng trước một khoảng không vô cùng rộng lớn. Đường xuống động mang đến cho du khách cảm giác mạnh bằng một sợi dây leo, men theo sườn vách đá. Một không gian tĩnh mịch, thâm nghiêm bao trùm, cảm giác lắng đọng, linh thiêng theo mỗi bước đi. Thiên Đường như một cuộc sống thu nhỏ được tạo hóa ban cho con người. Trí tưởng tượng của du khách được tha hồ bay bổng trước những nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí. Những đường cong uốn lượn dưới chân xuống dần qua trí tưởng tưởng như ruộng bậc thang. Càng đi sâu vào trong, ta như bắt gặp một không gian đa sắc, đa chiều, những giàn nhũ đá rủ xuống như tái hiện một hình ảnh nào đó thân quen của cuộc sống như giàn hoa, vườn rau… Lộng lẫy bốn bề là những cột tháp nhũ trắng trong như những cột thủy tinh sừng sững quanh hồ nước và nhiều hình thù kỳ bí khác đưa du khách vào thế giới của sự tưởng tượng phong phú.
Động Thủy Tinh là một trong ba động chính của quần thể hang động Pu Sam Cáp. Do vị trí không thuận lợi lại chưa đáp ứng được các điều kiện an toàn cần thiết để đón tiếp khách du lịch nên cho đến nay các nhà quản lý vẫn chưa có kế hoạch đưa động Thủy Tinh vào khai thác. Song Động Thủy Tinh kỳ bí vẫn là một ẩn số, hứa hẹn nhiều hấp dẫn đối với du khách ưa mạo hiểm phiêu lưu…
Khác với những điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, chỉ cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 6km vì vậy PuSamCap rất thuận lợi về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ, lưu trú của du khách đến tham quan cũng như thưởng thức những món ăn ngon của người Thái, Mông, Dao như: cá nướng, thịt chua, nậm pịa, rêu đá dân tộc... Bên cạnh đó, PuSamCap còn nằm trên tuyến tỉnh lộ 129 chạy qua nên thuận lợi để thu hút du khách tiếp cận với Quần thể hang động PuSamCap.
Với vẻ đẹp nguyên sơ đầy bí ẩn của mình Khu du lịch quần thể hang động PuSamCap đang được tỉnh đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục các khu du lịch tiềm năng Quốc gia trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Cùng với sự phát triển của tỉnh Lai Châu, PuSamCap cũng hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng du lịch khám phá, sinh thái với nhiều loại hình du lịch khác như làng bản, lễ hội…