Sáng 07/6, phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2 để đánh giá, thảo luận và thống nhất 2 Đề án, 3 báo cáo quan trọng của UBND tỉnh. Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Giàng A Tính - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Đoàn Đức Long – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Tham gia ý kiến về Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, đa số đại biểu thống nhất với Đề án này. Tuy nhiên, khi thực hiện Đề án phải đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện; cần hướng tới mục tiêu phản ánh chính xác vị trí theo đúng hiện trạng ranh giới các loại đất, chủ sử dụng đất thuộc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Rà soát, cấp Giấy chứng nhận mới cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo thực tế đang sử dụng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Nâng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận toàn tỉnh đến năm 2020 đạt trên 95% diện tích cần cấp.
Đối với Đề án Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu, phiên họp thống nhất với các nội dung của Đề án và khẳng định việc sớm đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động là vấn đề cấp thiết, nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC, lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, bảo đảm sự hài lòng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc giải quyết TTHC. Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh dự kiến lựa chọn 100% TTHC của 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, với trên 1.400 TTHC; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cử đến làm việc tại Trung tâm để tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Sau khi ra mắt Trung tâm dự kiến vào tháng 8 sẽ tiếp tục thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tại huyện Tân Uyên và thành phố Lai Châu vào cuối năm 2019 và năm 2020 sẽ thực hiện tại tất cả các huyện còn lại.

Đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh trình bày Đề án thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu.
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo việc xây dựng phần mềm phục vụ trong hành chính công phải đảm bảo các yêu cầu; quy định rõ TTHC giải quyết trong ngày và những thủ tục công dân không phải đến tận Trung tâm; đồng thời xác định rõ thẩm quyền của người tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính.
Về Đề án Bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng 2030; đồng chí Giàng A Tính - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đa số các đại biểu cho rằng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm việc cụ thể với các huyện, thành phố để rà soát, đánh giá nhu cầu cần thiết, thống nhất lựa chọn bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa. Do Đề án chưa đảm bảo yêu cầu, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu tất cả các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lại Đề án đảm bảo tính khả thi.
Đối với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố thuộc các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp hàng tháng và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố, người tham gia công việc trực tiếp ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành góp ý bằng văn bản cho Sở Nội vụ, trong đó lưu ý việc sáp nhập nhưng vẫn đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh rà soát tổng thể các văn bản của các sở, ngành để đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét đảm bảo lộ trình phù hợp.