Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, Lai Châu đang và là điểm đến hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Tại Hội nghị các doanh nghiệp của Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những câu hỏi liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án, lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Nói đến tiềm năng, lợi thế, Lai Châu là tỉnh có đa dạng từ đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lao động…
Đầu tiên, phải kể đến tiềm năng về đất đại, khí hậu. Lai Châu có diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 906.878ha, bình quân 2,2ha/người, gấp 6 lần bình quân cả nước (bình quân 0.366ha/người). Trong đó mới có 93.000ha diện tích đất đang trồng cây nông nghiệp, nhưng chủ yếu sản xuất một vụ năng suất thấp, tiềm năng tăng vụ và tăng năng suất còn rất lớn nhất là phát triển cây ngô (có 29.652 ha đất trồng lúa nước, trong đó đất trồng lúa 02 vụ mới có 6.741ha), diện tích lúa 01 vụ khoảng 16.000ha, ngô 21.500ha có khả năng chuyển sang trồng một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; toàn tỉnh còn khoảng trên 300.000ha đất trống đồi núi trọc có thể khai thác để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là trồng Chè, Cao su, Mắc ca, cây ăn quả, trồng rừng kinh tế.
Tỉnh Lai Châu có khí hậu trung tính giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, lượng mưa trung bình từ 1.800-2.400mm/năm và tương đối đều trong năm, nhiệt độ trung bình năm là 19,60C, trung bình thấp nhất 14,30C vào các tháng 01 và trung bình cao nhất 230C vào tháng 7, ít chịu rét đậm rét hại vào các tháng 12 đến tháng 02 như vùng Đông bắc (trừ những vùng núi cao trên 1.000m) và hầu như không có gió Tây khô, nóng vào tháng 2-4 như vùng Tây Bắc; đặc biệt có các hồ thuỷ điện Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng và Lai Châu, khí hậu của Lai Châu trở lên rất ôn hoà.
Là tỉnh miền núi nên Lai Châu có 03 đới khí hậu rõ rệt: Đới khí hậu nóng ẩm là đới có độ cao dưới 600m, rất thích hợp cho các cây trồng nhiệt đới, kể cả cao su; đới khí hậu mát, ẩm là đới có độ cao từ 600m đến 1.000m thích hợp với nhiều loại cây trồng á nhiệt đới, nhất là cây chè, cây Mắc ca...; đới khí hậu ôn đới là đới có độ cao từ 1.000m trở lên, rất thích hợp với các cây trồng ôn đới như rau, hoa chất lượng cao, cây ăn quả như Lê, Đào, Mận, Hồng... và nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Với đặc điểm khí hậu đó Lai Châu có nhiều sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng và có chất lượng cao như gạo (Séng Cù, Tẻ Râu), Chè, Miến dong, Thảo quả, Đỗ Trọng, Tam Thất, Hoa lan, Cá nước lạnh...
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 2.000 ha lúa đặc sản địa phương như: Séng cù, Tẻ Râu, Nếp Tan co giàng...; cây công nghiệp đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai, trọng tâm là cây Cao Su, cây Chè. Đến hết năm 2018, tỉnh Lai Châu đã đầu tư phát triển cây cao su trên địa bàn với diện tích trên 13.000ha và trở thành tỉnh có diện tích cao su lớn nhất vùng miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó cây Chè đã được triển khai theo hướng gắn các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu; diện tích chè toàn tỉnh hiện có trên 6.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 28.000 tấn; chè đã trở thành một trong những sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm chè của tỉnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp tại Châu Âu, Đài Loan. Bước đầu thử nghiệm triển khai có hiệu quả một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá tạo tiền đề để đánh giá và nhân rộng trong giai đoạn tới như: Diện tích cây mắc ca trên 1.800ha tại khu vực huyện Tân Uyên, Tam Đường, Nậm Nhùn, Phong Thổ và Thành phố; cây sinh trưởng và phát triển tốt; phát triển vùng quế tập trung với quy mô trên 5.500ha tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè; cây Sơn Tra với quy mô trên 1.900ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường và Phong Thổ. Phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung diện tích 5.900ha: Vùng cây ăn quả ôn đới tại các xã Giang Ma, Hồ Thầu (Tam Đường); vùng cam tập trung tại các xã Bản Giang, Bản Hon (Tam Đường); vùng Bơ tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu; vùng chuối ở Phong Thổ; vùng cây ăn quả nhiệt đới (Xoài, Dứa, Vải, Nhãn...) tại các xã của huyện Nậm Nhùn. Đặc biệt Lai Châu đã dần hình thành phát triển cây dược liệu, diện tích: 1.341ha cây Sa Nhân, 47ha cây Đương Quy, Nghệ 336ha.
Tỉnh xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn lúa gạo hàng hoá chất lượng cao; chăm sóc và bảo vệ 13.000ha cao su đồn điền, đến năm 2020 có 10.000ha đưa vào khai thác, sản lượng mủ khô đạt 10.000 tấn; mở rộng và đẩy mạnh phát triển vùng chè nguyên liệu tập trung chất lượng cao, đến năm 2020 có trên 8.000ha, trong đó có 4.500ha chè kinh doanh; phát triển vùng quế ven sông Nậm Mu, sông Đà, sông Nậm Na với quy mô 30.000ha, đến năm 2020 có 10.000ha. Phát triển 3.000ha cây Sơn Tra ở những vùng có độ cao trên 1.000m tại địa bàn các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ. Phát triển cây ăn quả ôn đới (Đào, Mận, Lê, Hồng, Táo Tay, Cheri) trên địa bàn các xã: Hồ Thầu, Giang Ma, Nùng Nàng, Sin Suối Hồ, Lản Nhì Thàng với quy mô 500ha, Chanh leo dự kiến 2.000 ha ở các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ. Phát triển được liệu, đặc biệt là bảo tồn phát triển Sâm Lai Châu.

Thác tiên xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường.
Tiềm năng du lịch: Tỉnh Lai Châu có vị trí nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ 4D, QL32 và QL12 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc); có hệ thống đường thủy Sông Đà và các hồ lớn tại các công trình thủy điện như: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát; có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: động Tiên Sơn, động Bản Hon và thác Tác Tình huyện Tam Đường, động Pusamcap Thành phố Lai Châu, núi đá ô tại Sìn Hồ; có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử như bản Lướt ở Mường Kim (huyện Than Uyên), miếu Nàng Han, dinh thự Đèo Văn Long, bia Lê Lợi (thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn),... cùng với những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, những nét độc đáo của các phiên chợ vùng cao như: chợ San Thàng Thành phố Lai Châu, chợ Dào San và Mường So, Phong Thổ. Đặc biệt, có các khu rừng nguyên sinh với hệ thống thảm thực vật rất phong phú trong quần thể sinh thái đỉnh núi Putaleng, núi ngũ chỉ sơn có độ cao 3.049m thuộc xã Hồ Thầu huyện Tam Đường, thắng cảnh khu du lịch đèo Hoàng Liên Sơn, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao nguyên Sìn Hồ (có độ cao trên 1.500m) có chế độ khí hậu mát mẻ. Đây là những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, là điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể tận dụng khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch thám hiểm gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học...
Hiện nay du lịch tỉnh Lai Châu đã và đang dần từng bước phát triển với định hướng của du lịch Lai Châu là “du lịch xanh, sạch, bảo vệ môi trường, thân thiện và bền vững” bước đầu đã hình thành được một số điểm du lịch thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà đầu tư. Mục tiêu đến năm 2020 du lịch là ngành quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về thương mại, dịch vụ: Tỉnh Lai Châu trên 265km đường biên giới, giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khòong và lối mở biên giới Pô Tô nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được phép thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu và tạm nhập tái xuất hàng hoá theo quy định.
Về công nghiệp, xây dựng: Tỉnh có các mỏ đất hiếm Đông Pao, dự án phát triển đô thị: Dự án phát triển đô thị phía Đông Nam, thành phố Lai Châu, tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu…