Ngày 17/7, UBND tỉnh ban hành Thông báo kết luận số 45/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến ngày 09/7/2019.
Ngày 09 tháng 7 năm 2019, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh, đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh.
Điểm cầu các huyện thành phố có: Đồng chí Bí thư Huyện uỷ/Thành uỷ; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc có liên quan; cán bộ thú y trực tại 04 chốt của tỉnh trên địa bàn.
Điểm cầu các xã/phường/thị trấn có: Đồng chí Bí thư Đảng ủy; lãnh đạo UBND các xã/phường/thị trấn, Trưởng bản, Tổ trưởng tố dân phố và cán bộ thú y tại các chốt kiểm dịch động vật.
Sau khi nghe Sở Nông nghiệp & PTNT - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh báo cáo kết quả phòng chống bệnh DTLCP trong thời gian qua và triển khai các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, ý kiến tham gia của các đại biểu tại các điểm cầu, đồng chí Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kết luận:
Đánh giá tình hình thực hiện trong thời gian qua
Từ tháng 3 đến ngày 28/6 công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đạt được nhiều kết quả như: Công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành tương đối quyết liệt; nhiều địa phương đã làm tốt công tác phòng, chống dịch như: Tân Uyên, Than Uyên, thành phố Lai Châu; các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn đã làm rất tốt công tác phòng ngừa, không để dịch xảy ra; việc thống kê, cập nhật số liệu được triển khai kịp thời và có sự kiểm tra giám sát; chưa phát hiện các hành vi trục lợi về chính sách; đã có 29 xã công bố hết dịch ...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì còn một số tồn tại, hạn chế như: Từ 28/6/2019 đến nay có biểu hiện thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra ở một số nơi, một số điểm; công tác tuyên truyền chưa sâu sát và hiệu quả chưa cao, còn tình trạng thả rông lợn, công tác tiêu độc, khử trùng tại các điểm mua bán, giết mổ chưa đảm bảo theo quy trình; việc bố trí địa điểm và hiệu quả hoạt động nhiều chốt kiểm dịch động vật chưa đảm bảo yêu cầu (vẫn còn trường hợp bỏ chốt, việc kiểm tra, phun thuốc tiêu độc khử trùng chiếu lệ, hiệu quả thấp, còn để vận chuyển lợn bệnh vào địa bàn tỉnh làm lây lan dịch); các chốt của tỉnh, nhất là tại Bình Lư còn nhiều đơn thư phán ánh về tính chuyên nghiệp không cao; việc chi trả hỗ trợ cho người dân còn chậm...
Các tồn tại trên do nhiều nguyên nhân khách quan như: Mùa mưa lũ, nguồn lây bệnh đa dạng, chưa có vắc xin phòng bệnh, nguyên nhân chủ quan như: Công tác tuyên truyền, chỉ đạo và kiểm tra ở một số nơi chưa tốt, chưa sâu sát, vai trò của cơ quan thường trực trong đề xuất các giải pháp chỉ đạo còn chưa kịp thời và trách nhiệm chưa cao...
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Để hạn chế dịch bệnh lây lan và giảm thiểu thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành và các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
UBND các huyện, thành phố: Quyết liệt triển khai các biện pháp khẩn cấp dập dịch và ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi lây lan theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, trong đó chú trọng việc phát hiện, xử lý ổ dịch không để lây lan, trường hợp cần thiết sử dụng các biện pháp cưỡng chế, kể cả đối với việc thả rông lợn sau khi đã vận động tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh phân công thành viên phụ trách theo địa bàn để tăng cường việc kiểm tra và kịp thời tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh. Hằng tháng tổ chức họp trực tuyến với các địa phương 01 lần (cho đến khi tỉnh hết dịch) để đánh giá và kịp thời có các biện pháp chỉ đạo phù hợp, nhằm sớm khống chế dịch trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát lại việc bố trí các chốt kiểm dịch, kiểm soát động vật, giảm tối thiểu 50% số lượng chốt đạt hiệu quả không cao (so với hiện tại 84 chốt); chỉ để lại các chốt thực sự cần thiết để bảo vệ các nơi chưa bị dịch, các tuyến huyết mạch của tỉnh, của huyện; các chốt kiểm dịch động vật chỉ phun tiêu độc khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển gia súc.
Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp trong phòng chống DTLCP đảm bảo thường xuyên, liên tục, kịp thời.
Sở Tài chính hướng dẫn và tham mưu UBND tỉnh bố trí ứng ngay kinh phí cho các huyện, thành phố bị thiếu (đã sử dụng trên 50% kinh phí dự phòng ngân sách).
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cùng chung tay vào cuộc để hướng dẫn, tuyên truyền vận động đến người dân các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, đặc biệt là mức hỗ trợ và thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc hỗ trợ thấp hơn định mức cũ; tham gia giám sát phát hiện các hành vi vi phạm. Thành lập tổ kiểm soát lưu động liên ngành do Sở Giao thông vận tải làm tổ trưởng để kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh cũng như từ các địa bàn có dịch sang địa bàn chưa có dịch trong tỉnh bằng phương tiện giao thông, đặc biệt là xe khách.
Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng Thông tin điện tử, Báo Lai Châu và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố: Thường xuyên, liên tục tuyên truyền về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn, đặc biệt là việc phòng chống tại hộ gia đình và công khai chi tiết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến người dân; tăng cường thời lượng tin bài để tuyên truyền và cảnh báo.
Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp cùng Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố đề xuất củng cố kiện toàn hệ thống thú ý cơ sở, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7/2019.