Để kiểm tra kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lai Châu, sáng 10/9, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do đồng chí Thứ trưởng Phạm Công Tạc là trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lai Châu đã có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hơn; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xã hội nông thôn mới có nhiều thay đổi, nhất là ý thức của người dân đã được nâng cao, người dân đã tích cực tham gia các ý kiến trong xây dựng xã hội, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm kinh tế chất lượng. Đặc biệt, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trung bình mỗi năm giảm từ 5 – 6%, đến hết năm 2018 tỉnh còn 24,8% hộ nghèo, đời sống của người dân được nâng lên so với trước; bức tranh nông thôn có nhiều khởi sắc.
Đến cuối năm 2019, theo kế hoạch, tỉnh sẽ có 7 xã về đích nông thôn mới, thành phố Lai Châu hoàn thành chương trình nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 huyện Tân Uyên đạt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Đ/c Hà Trọng Hải báo cáo tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực. Lai Châu là tỉnh nghèo, đời sống của người dân tuy đã có sự thay đổi nhưng so với các tỉnh miền xuôi thì vẫn còn nhiều khó khăn. Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có những xã mới chỉ đạt từ 1 đến 2 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều khó thực hiện trong khi vẫn cần sự huy động rất lớn từ sức dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh tuy giảm đều qua các năm nhưng chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao.
Sau 10 năm thực hiện, tỉnh Lai Châu đã có những sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng chủ yếu xuất thô, chưa có chế biến sâu nên sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh nên giá trị kinh tế chưa cao.
Tỉnh có 96 xã thì có 23 xã biên giới và 40 xã đặc biệt khó khăn, việc định hướng sản xuất cho khu vực này còn rất khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư sống phân tán, tỷ lệ tái nghèo còn rất lớn... cần phải có những giải pháp phát triển bền vững.
Trước tình hình trên, tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ nên có cơ chế đặc thù cho các tỉnh miền núi, biên giới để ưu tiên phân bổ nguồn vốn thực hiện; cần định hướng cho các tỉnh về các sản phẩm chủ lực gắn với vùng và quốc gia; cần có sự điều chỉnh khung trong quá trình xét các tiêu chí để có sự linh hoạt, nên coi tiêu chí đánh giá về những thay đổi trong bộ mặt nông thôn, trong tư duy của người dân về xây dựng nông thôn mới…; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí đủ kế hoạch vốn theo kế hoạch trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm giao kế hoạch chi tiết nguồn vốn bổ sung phần vốn dự phòng chung ngân sách trung ương cho các huyện thoát nghèo…
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung như đề nghị Chính phủ, các bộ có cơ chế chính sách và nguồn lực đối với tỉnh; hỗ trợ về chứng nhận các sản phẩm dược liệu quý của tỉnh; về đổi mới công nghệ và thực hiện các mô hình khoa học công nghệ…
Đ/c Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định Lai Châu là một tỉnh đặc thù và rất đặc biệt, tuy còn nhiều khó khăn nhưng lại có nhiều lợi thế về du lịch, về nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực có giá trị cao, vì thế tỉnh nên phát huy tối đa các lợi thế đó. Đồng chí cùng đoàn công tác đã ghi nhận, giải đáp một số kiến nghị của các đại biểu. Khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ luôn ủng hộ tỉnh Lai Châu trong việc hình thành các sản phẩm dược liệu, việc đổi mới công nghệ và thực hiện các mô hình khoa học công nghệ, đồng chí Thứ trưởng đã giao cho các vụ phối hợp để hỗ trợ tỉnh Lai Châu thực hiện. Về một số kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Lai Châu.