Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ tư 23/7/2025
Tranh cãi kéo dài quanh một quyết định khó hiểu
 
Ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho Công ty DVTM&DL Ngọc Ánh khai thác 3 tuyến xe buýt từ TP Đồng Hới đi các huyện phụ cận, Công ty CP vận tải Ôtô đã phản ứng cho rằng 3 tuyến này trùng với các tuyến buýt mà Công ty đang khai thác.
Xã hội hóa kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 15/10/2010 đồng ý cho Công ty DVTM&DL Ngọc Ánh (Công ty Ngọc Ánh) đầu tư, khai thác 3 tuyến buýt Đồng Hới - Ba Đồn, Đồng Hới - Kiến Giang và Đồng Hới - Phong Nha theo đề nghị của Sở GTVT.
Ngay sau khi phát hiện Công ty Ngọc Ánh cắm biển báo điểm dừng tuyến Đồng Hới - Ba Đồn, Công ty CP Vận tải Ôtô Quảng Bình (Công ty Ôtô) đã có văn bản phản ứng, cho rằng các tuyến buýt mà tỉnh đồng ý cho Công ty Ngọc Ánh đầu tư trùng với các tuyến mà Công ty Ôtô đã khai thác theo đề án năm 2004 đã được UBND tỉnh này phê duyệt.
 

Biển báo điểm dừng xe buýt của Công ty Ngọc Ánh cắm ngay trước bến xe điểm đầu của tuyến buýt mà Công ty Ôtô đang khai thác.
Gọi đây là một quyết định “khó hiểu”, Công ty Ôtô đã trình nhiều văn bản dấu đỏ chứng minh việc mình đã khai thác 3 tuyến buýt nói trên như thủ tục đăng ký hưởng ưu đãi đầu tư, tờ trình kéo dài các tuyến buýt… Theo ông Phan Văn Quý - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc cho biết, đến nay Công ty đang khai thác ổn định cả 3 tuyến nói trên với tần suất lần lượt là 16, 12 và 12 chuyến/ngày.
“Việc Sở GTVT đề xuất tỉnh đồng ý cho DN khác khai thác trùng các tuyến mà chúng tôi đang hoạt động là ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp của Cty, trong khi chúng tôi phải vay vốn để triển khai đề án”, ông Quý nói.
Ngược lại, ông Võ Tiến Lợi - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình lý giải quyết định giao tuyến cho đơn vị vận tải khác Công ty Ôtô sau khi được chấp thuận đề án năm 2004 đã không hoàn tất các thủ tục tiếp theo để hoàn thiện đề án. “Các tuyến mà Công ty đang hoạt động là vận tải hành khách theo tuyến cố định chứ không phải hoạt động xe buýt”, ông Lợi khẳng định.
Cũng theo ông Lợi, “việc đồng ý cho Công ty Ngọc Ánh triển khai tuyến buýt là công khai, minh bạch và phù hợp với chủ trương xã hội hóa của tỉnh”, bất chấp việc Công ty Ôtô nói rằng Sở không có bất kỳ một động thái nào thông báo cho Công ty nắm thông tin, mà “âm thầm” giao 3 tuyến buýt cho Ngọc Ánh.
Công ty Ôtô thừa nhận một số thiếu sót trong quá trình triển khai tuyến buýt như chưa phát hành vé, chưa cắm biển thông báo điểm dừng, nhà chờ…. Viện dẫn nhiều quy định về trách nhiệm của Sở GTVT, GTCC trong việc triển khai các tuyến buýt, ông Phan Văn Quý cho rằng trong thiếu sót của Công ty, có một phần trách nhiệm của Sở vì trước nay Sở chỉ “khoanh tay đứng nhìn” chứ không hề thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tuyến buýt hay nhắc nhở Công ty. “Sở cũng chưa một lần nhắc đến chuyện đình chỉ tuyến buýt của Công ty, mà chỉ tự dưng gật đầu cho DN khác vào làm”, vẫn theo ông Quý.
Sở GTVT vừa "khen" vừa "tố" doanh nghiệp
Bày tỏ sự quan ngại quanh quyết định của UBND tỉnh sau đề nghị của Sở GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam và nhiều cơ quan hữu trách đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình và Sở GTVT Quảng Bình đề nghị tạo điều kiện cho Công ty Ôtô tiếp tục triển khai đề án năm 2004.
Theo công văn ngày 22/12/2010 của Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam: Công ty Ôtô đã triển khai đúng, có hiệu quả theo đề án và các quy định về vận tải xe buýt. Hiệp hội bày tỏ lo ngại việc UBND tỉnh, Sở GTVT Quảng Bình cho phép Công ty Ngọc Ánh khai thác trùng tuyến với tuyến của Công ty Ôtô “sẽ gây mất ổn định cho sự hoạt động của tuyến xe buýt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống lao động của công ty”.
Ông Lê Thuận Văn - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình cũng cho biết: “Nếu UBND tỉnh và Sở GTVT không giải quyết vấn đề một cách hợp tình, hợp lý thì không chỉ ảnh hưởng tới miếng cơm, manh áo của máy chục cán bộ, nhân viên và lái, phụ xe của Công ty mà còn có thể nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn khác trong quá trình khai thác chung”.
Tuy nhiên, trong cuộc họp giữ Sở GTVT và Công ty Ôtô để giải quyết khiếu nại của Công ty, ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Sở cho rằng “không dựa vào ý kiến mà một số cơ quan, báo chí thông tin chưa đầy đủ và thiếu chính xác”.
Theo biên bản cuộc họp, Sở kết luận tạm dừng công bố mở tuyến vận tải ôtô buýt của Công ty Ngọc Ánh để giải quyết khiếu nại và sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. “Nếu cần thiết sẽ tổ chức đấu thầu trên một số tuyến cụ thể. Sẽ xem xét và có những ưu tiên nhất định cho Công ty Ô ô”.
Trước "lời hứa" của Sở, Công ty Ôtô cũng cam kết không khiếu nại trong khi chờ ý kiến của UBND tỉnh và duy trì hoạt động các tuyến buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết.
Tuy nhiên, ngày 9/2/2011, Sở GTVT lại có văn bản gửi UBND tỉnh, tiếp tục "tố" Công ty Ôtô chưa triển khai tuyến buýt theo đề án năm 2004 và đề nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Ngọc Ánh triển khai tuyến Đồng Hới - Ba Đồn và chỉ đấu thầu đối với các tuyến khác.
Văn bản này một lần nữa vấp phải sự khiếu nại của Công ty Ôtô, vì Công ty cho rằng thực chất đó là một văn bản tham mưu theo hướng ưu tiên cho Công ty Ngọc Ánh, không thực hiện đúng cam kết.
Quan trọng nhất, việc Sở GTVT Quảng Bình tiếp tục phủ nhận sự tồn tại các tuyến buýt khiến dư luận hoài nghi rằng sở cố tình tham mưu sai, bởi trước đó trong các báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động vận tải hằng năm, Sở này đều nhắc tới các tuyến buýt và còn “khen” Công ty Ôtô vì việc triển khai tuyến buýt.
Cụ thể, báo cáo năm 2005 khẳng định “Công ty CP Ôtô ngoài việc mở các tuyến xe khách về vùng sâu vùng xa còn kết hợp khai thác tốt tuyến xe buýt Đồng Hới - Lệ Thủy, Đồng Hới - Ba Đồn và ngược lại với loại xe chất lượng cao được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Nhận xét về các báo cáo này, ông Quý nói: “Sở nói thế, làm thế thì thử hỏi gần 70 con người liên quan của công ty làm sao yên tâm làm việc?”.
 
Theo Dantri
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Than Uyên: 250 con trâu, bò mắc bệnh lở mồm long móng   (23/02/2011)
  • Thuế nhập khẩu 0% đối với xăng dầu   (23/02/2011)
  • Điện chưa tăng mà cuộc sống đã đảo lộn   (23/02/2011)
  • Thường trực chính phủ trao đổi với các chuyên gia về giải pháp điều hành   (23/02/2011)
  • Cắt giảm điện từ tháng 3   (22/02/2011)
  • Giảm lãi suất: Tạm gác sang một bên   (22/02/2011)
  • Thi công, tư vấn, giám sát đều có vấn đề   (22/02/2011)
  • Ngày 22/2, tăng tỷ giá BQLNH lên 20.678 đồng/USD   (22/02/2011)
  • Ngân hàng Nhà nước bác thông tin phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng   (22/02/2011)
  • TPHCM tính giá đất làm lợi cho nhà đầu tư   (21/02/2011)
  • Petrolimex đảm bảo đủ xăng dầu bán cho khách hàng   (21/02/2011)
  • Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh xăng, dầu có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá   (21/02/2011)
  • Vàng không khan hiếm nhưng giá vẫn tăng lên hơn 38 triệu đồng/lượng   (21/02/2011)
  • Từ 1.3, giá điện tăng 15,28%   (20/02/2011)
  • Toàn tỉnh: 590ha lúa chiêm xuân phải gieo cấy lại   (20/02/2011)