Tỉnh ta có gần 5.000 hộ dân chịu ảnh hưởng của vùng ngập lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, trong đó đa số là hộ sản xuất nông nghiệp. Thuỷ điện đóng cống tích nước khiến rất nhiều diện tích canh tác của bà con không thể sử dụng được vì ngập sâu trong nước. Nhiều xã, bản có tới gần 100% diện tích lúa nước bị ngập. Điều này khiến cho người dân gặp khó khăn trong sản suất bởi diện tích lúa nương vốn năng suất thấp, diện tích lại bị chia nhỏ do áp lực dân số sau tái định cư.

|
Lòng hồ Thủy điện Sơn La (địa phận xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ). |
Tuy các chính sách của Nhà nước, tỉnh đã giúp nhiều hộ dân chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế (theo hướng phi nông nghiệp) nhưng nhu cầu của người dân còn quá lớn. Hướng để người dân tái định cư có cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ vẫn phải là phát triển bền vững dựa trên các thế mạnh của địa phương. Lòng hồ thuỷ điện là một thế mạnh để giải bài toán đó. Nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản, du lịch và giao thông lòng hồ là đáp án nhưng lộ trình của lời giải này thì đến nay vẫn còn khá mới mẻ với Lai Châu.
Việc khai thác thủy sản là đơn giản nhất và có lẽ cũng không cần bàn nhiều bởi từ ngàn đời nay, đồng bào các dân tộc ven sông đã quá quen với giăng lưới, quăng chài. Vấn đề chỉ là việc đánh bắt cần phải đảm bảo có sự kế tiếp cho tự nhiên, tránh khai thác triệt để dẫn tới cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản từ lòng hồ.
Nuôi trồng thuỷ sản là hướng đi được coi là khả quan nhất. Tuy nhiên điều này cũng chưa dễ thực hiện. Hình thức nuôi trồng được nhắc tới, liên tưởng tới chủ yếu vẫn đang là nuôi cá lồng dựa trên diện tích vùng lòng hồ thuỷ điện. Vấn đề đặt ra là giống thuỷ sinh gì, kỹ thuật nuôi như thế nào, đầu ra ở đâu, nên phát triển ở quy mô nào? Những câu hỏi này đặt ra không vô lý bởi tỉnh ta chưa có một mô hình nuôi cá lồng nào ở khu vực lòng hồ, do vậy người dân rất trăn trở và băn khoăn về hướng đi này. Xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) là một đơn cử. Tất cả 5 bản của xã đều phải di chuyển, tái định cư, 90% diện tích lúa nước của xã bị ngập, đất nương, đồi không có nhiều và ngày càng bạc mầu, chăn nuôi đại gia súc khó thực hiện vì việc chuyển đổi tập quán chăn thả sang chăn dắt là chuyện không phải một sớm một chiều. Hướng mà xã đang xác định là nuôi cá nhờ lòng hồ Thủy điện Sơn La.
Ông Lò Văn Tản – Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Xã cũng xác định sản xuất thủy sản là hướng cho bà con nhưng đến nay kỹ thuật nuôi trồng chưa có nên chưa biết bắt đầu từ đâu”.
Lo lắng của ông Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mạ chắc sẽ sớm được giải quyết bởi theo thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trình tỉnh kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển thuỷ sản tại khu vực vùng thấp của huyện Sìn Hồ để cung cấp con giống và kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho người dân.
Bên cạnh đó, việc phát triển vùng kinh tế mặt hồ cần có cái nhìn tổng thể và quy hoạch chi tiết vì chuyện được mùa mất giá đã không còn xa lạ với nông dân bởi bà con phát triển kinh tế tự phát. Một vấn đề nữa là đầu ra cho sản phẩm. Chỉ cần một nửa số hộ dân sống gần lòng hồ nuôi cá lồng thì sản phẩm sẽ nhiều và áp lực đầu ra sẽ rất lớn. Trong khi đó giao thông tại khu vực tái định cư đang được xây dựng lại còn khó khăn và các con đường tránh ngập thường dài hơn đường cũ nên việc vận chuyển hàng hoá khó khăn hơn. Điều này cần có sự điều chỉnh của các nhà hoạch định chính sách.
Du lịch lòng hồ cũng là một bức tranh khá hấp dẫn. Nhiều người đã liên tưởng tới các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và khám phá lòng hồ, nhưng còn nhiều yếu tố cần có để ý tưởng kia thoát thai thành sự thật. Hạ tầng du lịch là yếu tố mang tính quyết định. Nếu một khách du lịch xuất phát từ Hà Nội muốn du lịch lòng hồ thì với khoảng thời gian không nhiều họ sẽ chọn hồ Hoà Bình bởi quãng đường di chuyển ngắn và cơ sở hạ tầng du lịch ở đây tương đối hoàn chỉnh. Lợi thế so sánh đã không nằm ở phía tỉnh ta. Vậy nên hướng đi này cần phải có sự đầu tư lớn cả về kinh tế và văn hoá xã hội. Các bản du lịch cộng đồng ven sông, các phong tục tập quán, các lễ hội, các món ăn, thức uống và người dân… tất cả cùng phải cộng gộp để tạo nên một lợi thế cạnh tranh lớn hơn có thể hút chân du khách đến với lòng hồ trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều này cần một khoảng thời gian và sự đầu tư cũng như tính toán cẩn thận.
Đến nay thì các hướng đi này vẫn đang là trăn trở của nhiều người, nhiều cấp, ngành. Nhưng triển vọng của lòng hồ thì đã rõ, chỉ là chúng ta có thái độ khai thác và lộ trình khai thác như thế nào để triển vọng trở thành lợi thế cụ thể về kinh tế cho người dân.