Vừa dựng chiếc xe vừa kịp đổ đầy bình xăng vài phút trước khi xăng tăng giá, thấy cậu con trai đang rồ ga để thử chiếc xe vừa tự sửa, Lê Văn Duy (phường Hiệp Bình Chánh. Q.Thủ Đức - TPHCM) quát ầm lên: “Muốn đốt tiền hả? Tắt ngay không thì bảo!”.
Cú sốc giá xăng tăng, rồi giá điện sắp tới và tất nhiên sẽ kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác tăng theo đã khiến Duy khó kiểm soát được mình...
 |
Giá xăng được điều chỉnh. Ảnh: L.T
|
Tăng mượn, giảm mua...!
10 năm làm nghề bỏ mối cá cho các điểm bán lẻ ở các chợ, khi giá xăng ở mức 16.400 đồng, một đêm, hai vợ chồng anh Duy phải “đốt” cho 2 chiếc xe máy chuyên chở cỡ 6 lít xăng. Khi giá xăng tăng thêm 2.900 đồng/lít, tính ra 1 đêm hai vợ chồng cũng chỉ mất thêm 17.400 đồng, tất nhiên sẽ tính vào giá thành cá bán.
“Vấn đề nằm ở chỗ, xăng tăng, rồi điện tăng sẽ kéo theo giá gạo, mắm muối, nước v.v..., tóm lại mọi cái sẽ tăng vọt theo; nên bây giờ phải tính làm sao để “bóp” lại chi tiêu chứ không thì... chết!”. Ngồi phịch xuống ghế, Duy thở dài với tôi rồi lẩm bẩm tính toán: Sẽ tự tay đục tường làm 2 cái cửa sổ tạm phía tường kề phần đất chưa xây của làng xóm để lấy khí, lấy gió, khỏi chạy máy lạnh! Mượn miếng đất chưa xây cũng của ông hàng xóm đó, cuốc lên, trồng ít rau, đu đủ. Đỡ tiền chợ! Đại tu lại chiếc xe đạp đã bỏ xó để cậu con đang học lớp 11 đạp xe đi học, 7km thôi, vừa khỏi tốn xăng, lại rèn luyện sức khỏe!...
Cơn bão của giá cũng khiến khối “đức ông” đi xe ôtô cũng phải toan tính chi li chẳng kém... Trên mạng, các diễn đàn về ôtô - xe máy, các thành viên đã rầm rĩ bày mẹo cho nhau: Xăng hay dãn nở theo nhiệt độ, tức là khi nóng thì nở ra, khi lạnh thì teo lại. Nên đổ xăng vào sáng sớm hoặc đêm khuya chứ đừng đổ ban ngày, nắng nóng. “Thực ra, “chiêu” này chẳng dư được bao nhiêu xăng cả, nhưng thời buổi này thì 1 xu cũng phải tiết kiệm!” - một thành viên viết như vậy!
Nông dân lo lắng
Khác với toan tính tiết kiệm của dân thành phố, sẵn vườn, ruộng nhưng người nông dân lại có nỗi lo khác. Dù phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng lên 30-40%, phải tốn thêm 4-5 triệu đồng/ha điều, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Thao (ấp 2 xã An Viễn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vẫn còn lời được khoảng 10 triệu đồng/1ha điều. “Giờ thì chắc chắn phân bón... sẽ tăng nữa. Chắc vợ chồng tôi phải nhận làm thuê cho các vườn khác mới đủ sống qua ngày” - ông Thao nói.
Tương tự, người chăn nuôi Đồng Nai (tỉnh có tổng đàn heo 1,2 triệu con - xếp thứ hai cả nước) cũng “toát mồ hôi”. Anh Nguyễn Quốc Khanh (chủ trang trại gần 1.000 con heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) lo lắng: “Trước khi giá xăng tăng, giá cám tăng 14-15 lần, mỗi lần lên khoảng 200-300 đồng/kg. Cộng thêm tiền con giống, thuốc thú y, công chăm sóc thì giá thành đội lên 35.000-36.000 đồng/kg heo hơi, trong khi giá bán tại chuồng cũng ở mức đó. Giờ giá xăng tăng, điện tăng thì giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nữa! Làm sao lời đây!”. Trong khi đó, chỉ trước khi xăng tăng giá 1 ngày, do áp lực của tỉ giá USD và lãi suất, tính đến ngày 23.2, giá phân urê nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn có giá 280USD/tấn, tăng so với 265USD/tấn của tuần trước. Và chỉ vài ngày nữa (ngày 1.3), điện tăng, cước phí vận chuyển sẽ phải tăng (Hiệp hội Vận tải TPHCM dự tính phải tăng giá cước vận tải lên 15%) thì giá vật tư nông nghiệp chắc chắn không dừng lại.