Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ tư 23/7/2025
Giúp người dân có vốn phát triển kinh tế
 
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg “Về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn” (ngày 30/3/1999). Hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (No & PTNT) Việt Nam - Chi nhánh Lai Châu luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, của tỉnh để mở rộng đầu tư tăng trưởng tín dụng...

Đàn bò của gia đình chị Nguyễn Thị Dịu ở tổ 5, phường Tân Phong.

Ngay từ khi Quyết định có hiệu lực, Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng triển khai các nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm: vốn ngân hàng huy động, vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế và nước ngoài.
Hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tự huy động, Chi nhánh Ngân hàng No & PTNT tỉnh đã áp dụng mọi biện pháp, hình thức, thể loại với phương châm “đi vay để cho vay” nhằm huy động tối đa nguồn vốn trong dân cư và nền kinh tế.
Nếu như cuối năm 2004, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT tỉnh đạt 87 tỷ đồng thì đến tháng 6/2010 tổng nguồn vốn đạt 871 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần), trong đó: tiền gửi dân cư đạt 510 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,5% tổng nguồn vốn huy động tại địa phương, Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT tỉnh đã áp dụng rộng rãi các phương thức cho vay: theo hạn mức, trả góp, từng lần, lưu vụ...
Ngoài việc mở rộng mạng lưới để cho vay trực tiếp, Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT tỉnh còn thực hiện cho vay qua tổ vay vốn; cho vay hộ gia đình, cá nhân nhận khoán thông qua doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; cho vay thông qua ngân hàng lưu động; từng bước hạn chế cho vay những doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, tăng nhanh khối lượng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất kinh doanh. Đến hết tháng 12/2009 Chi nhánh đã có 300 tổ vay vốn với tổng số 5.981 thành viên, tổng dư nợ đạt 126 tỷ đồng, trong đó, Hội Nông dân có 220 tổ với 4.626 thành viên dư nợ 101 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Ngân hàng No&PTNT tỉnh còn cho vay hỗ trợ lãi suất được hơn 6.369 tỷ đồng. Nếu như trước đây người nông dân rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng thì nay rất đơn giản và thuận tiện. Nhờ vậy đã tạo cho khách hàng niềm tin, sự hài lòng khi giao dịch và lựa chọn sử dụng dịch vụ của ngân hàng. 
Gia đình anh Bùi Văn Cót và chị Nguyễn Thị Dịu ở Tổ 5, phường Tân Phong, thị xã Lai Châu là một điển hình trong việc vận dụng nguồn vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT tỉnh để làm giàu. Từ năm 2005, vợ chồng chị Dịu đã mua được mảnh đất rộng gần 1ha. Ban đầu do thiếu vốn sản xuất, vợ chồng anh chị bàn bạc, quyết định vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng No & PTNT tỉnh 30 triệu đồng để đầu tư phát triển trồng chè và chăn nuôi bò.
Sau 5 năm đầu tư chăm sóc, hiện gia đình anh chị đang nuôi 20 con bò sinh sản, trồng 0,4ha chè và các loại cây ăn quả... mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Anh chị đã tích lũy và dựng được ngôi nhà mới. 
Chị Dịu tâm sự: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục làm đơn vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích phát triển mô hình chăn nuôi bò”.
Gia đình anh Chang A Sang (bản Huổi Lùng, xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu) còn mạnh bạo hơn khi quyết định vay 120 triệu đồng của Ngân hàng No & PTNT tỉnh (năm 2010) để đầu tư thu mua hàng nông sản: ngô, sắn, lạc, đỗ... Là người con của bản nên việc thu mua nông sản anh Sang không mấy gặp khó khăn. Gia đình nào được mùa là anh không quản ngại đường sá xa xôi đến tận nhà đặt vấn đề thu mua. Gia đình anh thu nhập trung bình hơn 200 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình anh không chỉ hoàn trả được cả gốc, lãi cho ngân hàng mà còn xây dựng được thương hiệu vững chắc trong khu vực. 
Phòng Giao dịch Nậm Loỏng (Chi nhánh Ngân hàng No & PTNT tỉnh) phụ trách cho vay vốn tại 4 xã, phường của thị xã. Đây là đơn vị triển khai thực hiện tốt nguồn vốn vay phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch Nậm Loỏng đã cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành nghề dịch vụ, thương mại, tiêu dùng trên 18 tỷ đồng; còn lại cho vay phát triển chăn nuôi, sản xuất nông, lâm nghiệp hơn 1 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 19,5 tỷ đồng.
“Nhằm tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng một cách đơn giản và thuận tiện, với quan điểm tất cả vì khách hàng, do vậy thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn không gây phiền hà cho người vay. Người vay dù là thành phần kinh tế nào cũng đều được đánh giá cao không chỉ là bạn hàng mà còn là đối tác của ngân hàng” - Bà Vương Thị Khuyến, Giám đốc Phòng Giao dịch Nậm Loỏng cho biết. 
Đây cũng chính là điều kiện để Ngân hàng No & PTNT Lai Châu tiếp tục phục vụ tốt nhà nông và là cơ hội để các hộ sản xuất vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
 
Theo báo Lai Châu
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Phong Thổ: Phục hồi và phát triển đàn gia súc sau rét   (02/03/2011)
  • Giá gas tăng thêm 10.000 đồng mỗi bình   (02/03/2011)
  • Thử tìm lối ra cho ngành điện   (02/03/2011)
  • Biển Đông: Bàn cờ cho những tính toán chiến lược   (02/03/2011)
  • Tín dụng 'đen' ăn khách   (02/03/2011)
  • Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước trong quý III/2011   (02/03/2011)
  • Ban hành các giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ   (02/03/2011)
  • Thị trường ôtô: nhấn ga tăng… giá   (01/03/2011)
  • Đập Tam Hiệp - thảm họa môi trường   (01/03/2011)
  • Dựng lều kiếm chữ nơi bản nghèo biên giới   (28/02/2011)
  • Xuất khẩu nông sản tháng 2 được giá   (28/02/2011)
  • Doanh nghiệp 'bóp bụng' thời giá cả tăng cao   (28/02/2011)
  • Nhấp nhổm bởi giá xăng, điện tăng   (28/02/2011)
  • Kiềm chế lạm phát, đừng để "đục nước béo cò"   (28/02/2011)
  • Từ nghiện tay trắng thành tỷ phú   (28/02/2011)