 |
Bà Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
|
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Thị Mai xung quanh vấn đề này.
Không còn tồn tại hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành
PV: Xin bà cho biết, việc tạo hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ theo quy định tại NĐ 51 có gì thay đổi so với hiện nay?
Bà Vũ Thị Mai: Theo tinh thần của Nghị định 51, từ ngày 1/1/2011 DN sẽ được quyền chủ động lựa chọn tự in hoặc đặt in hóa đơn và cơ quan thuế sẽ không bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp (DN).
Đồng thời, DN không phải gửi văn bản để cơ quan thuế chấp thuận trước khi tự in hoặc đặt in, cũng như gửi mẫu hóa đơn cho cơ quan thuế.
Đơn vị nhận in hóa đơn cũng không nhất thiết phải là các nhà in nằm trong danh sách của Tổng cục Thuế mà chỉ cần có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành in là đủ điều kiện nhận in hóa đơn.
PV: Vậy Bộ Tài chính có phát hành hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nữa không?
Bà Vũ Thị Mai: Theo quy định mới thì Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) sẽ không thực hiện phát hành hóa đơn mà từng Cục thuế sẽ chủ động đặt in hóa đơn để cấp và bán cho các đối tượng thuộc diện được mua, được cấp hóa đơn. Do vậy không còn tồn tại hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành nhưng tồn tạo hóa đơn của cơ quan thuế phát hành.
Cục Thuế chỉ in bán, cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là DN nhưng có hoạt động sản xuất kinh doanh; các hộ, cá nhân kinh doanh. Riêng các DN siêu nhỏ; DN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được tiếp tục mua hóa đơn của Cục Thuế phát hành đến hết năm 2011.
Kiểm soát giá in hóa đơn, không để lợi dụng tăng, ép giá DN
PV: Đối với DN sử dụng không nhiều hóa đơn, nếu phải đặt in với số lượng ít thì bị giá thành cao. Vậy ngành thuế đã có giải pháp gì để động viên cơ sở in nhận in hóa đơn với số lượng ít?
Bà Vũ Thị Mai: Theo quy định của NĐ 51 thì việc tự in và đặt in hoá đơn để sử dụng khi bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ là quyền lợi và nghĩa vụ của DN.
Để tránh tình trạng một số các nhà in chỉ nhận in hóa đơn của các DN đặt in với số lượng lớn, tăng giá in đối với DN đặt in số lượng ít, ngay từ giữa tháng 9 và các tháng cuối năm 2010 Tổng cục Thuế đã có các công văn gửi Cục thuế các tỉnh thành phố yêu cầu Cục thuế phải tuyên truyền phổ biến động viên các DN in thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện in hóa đơn cho tất cả các DN có nhu cầu đặt in (kể cả DN số lượng in nhỏ); quán triệt với các DN in để giãn số lượng in đối với các DN đặt in hóa đơn số lượng nhiều, thời gian dài để có thể in cho nhiều DN đặt in hóa đơn; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính báo cáo với UBND tỉnh, thành phố các giải pháp có hiệu quả để kiểm soát giá in hóa đơn, không để tình trạng DN in lợi dụng để tăng giá, ép giá đối với DN đặt in hóa đơn.
Ngoài ra nhằm tiết kiệm chi phí, các DN sử dụng ít hoá đơn có thể đặt in số lượng nhiều không khống chế để sử dụng dần. Tuy nhiên, các DN nên lựa chọn cho DN mình phần mềm ứng dụng CNTT phù hợp để tự in hoá đơn theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC (Thông tư 153) tạo thuận lợi cho DN.
PV: Bà có thể cho biết DN được lựa chọn hình thức hóa đơn như thế nào? Trường hợp nào chỉ được sử dụng 1 loại hóa đơn, trường hợp nào được sử dụng nhiều loại hóa đơn?
Bà Vũ Thị Mai: Theo quy định, DN có thể đồng thời tạo nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử). DN căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình để tạo hình thức hoá đơn cho phù hợp.
Đối với một số DN như ngân hàng, công ty bảo hiểm sử dụng hóa đơn tự in từ phần mềm áp dụng đối với các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, bảo hiểm và phần mềm này không in được hóa đơn cho các hoạt động nghiệp vụ khác (ví dụ: thanh lý tài sản cố định..) thì ngân hàng, công ty bảo hiểm được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ khác.
Đồng thời, tuỳ vào đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức cá nhân khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thể được sử dụng nhiều loại hoá đơn khác nhau. Các trường hợp được sử dụng nhiều loại hoá đơn gồm: DN vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài thì DN sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước và sử dụng hoá đơn xuất khẩu cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế nhưng có hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ thì sử dụng hóa đơn như sau: Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ thì sử dụng hoá đơn bán hàng cho đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ. Còn đối với các hoạt động khác: sử dụng hoá đơn GTGT cho hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trong nước và sử dụng hoá đơn xuất khẩu cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.
PV: Xin bà cho biết, trước khi sử dụng hoá đơn cho việc bán hàng hoá, dịch vụ, DN phải tiến hành việc thông báo phát hành hoá đơn như thế nào?
Bà Vũ Thị Mai: Trước khi sử dụng hoá đơn cho việc bán hàng hoá, dịch vụ, trừ hóa đơn được mua, cấp tại cơ quan thuế, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải lập Thông báo phát hành hoá đơn (theo mẫu đã hướng dẫn tại Thông tư 153).
Thông báo phát hành hóa đơn gồm: Tên đơn vị phát hành hoá đơn, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, các loại hoá đơn phát hành (tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn,ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành (từ số... đến số...), hoá đơn mẫu, tên và mã số thuế của DN in hoá đơn (đối với hoá đơn đặt in), ngày lập Thông báo phát hành, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của đơn vị.
Thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 5 ngày trước khi tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành. Thông báo phát hành hóa đơn này gồm cả hoá đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.
Quản lý được hóa đơn điện tử
PV: Cũng theo NĐ 51, bắt đầu từ năm nay sẽ có thêm hình thức hoá đơn điện tử. Bà có thể cho biết cụ thể về hình thức hoá đơn này?
Bà Vũ Thị Mai: Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để hướng dẫn DN trong quản lý và sử dụng hoá đơn điện tử, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng hoá đơn điện tử. Dự thảo Thông tư này đã được đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và website của ngành thuế để lấy ý kiến rộng rãi của các DN và tầng lớp nhân dân.
PV: Vậy ngành thuế sẽ quản lý theo cách nào đối với hoá đơn điện tử trong trường hợp bán hàng qua điện thoại, qua mạng; bán hàng hoá, dịch vụ cùng lúc cho nhiều người tiêu dùng, khi lập hoá đơn người bán hoặc người mua không phải ký tên? Liệu có xảy ra tình trạng hoá đơn giả?
Bà Vũ Thị Mai: Kinh nghiệm quốc tế về hóa đơn điện tử cho thấy hóa đơn điện tử là hình thức hóa đơn cao cấp nhất. Việc khởi tạo hóa đơn điện tử đòi hỏi yếu tố bảo mật cao phải sử dụng phương tiện điện tử nên đảm bảo tra cứu được nguồn gốc hóa đơn và đảm bảo tính vẹn toàn của dữ liệu hóa đơn.
Đối với hóa điện tử, dữ liệu hóa đơn được chuyển từ phương tiện điện tử của người bán hàng sang phương tiện điện tử của người mua hàng; người mua hàng không phải ký trên hóa đơn điện tử nhưng người bán hàng phải sử dụng chữ ký điện tử để xác nhận nguồn gốc của hóa đơn.
Dữ liệu của hóa đơn điện tử khi đã lập đều được lưu giữ trên phương tiện điện tử của cơ quan thuế hoặc cơ quan trung gian cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử nên hoàn toàn có thể quản lý được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!