
|
Sẽ xử lí nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính - Ảnh minh họa
|
Trao đổi với Bộ TTTT, được biết, việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính đã được quy định tại một số Nghị định của Chính phủ như: Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 8/7/2004; Nghị định 55/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010. Tuy nhiên, các quy định này trong thời gian thực hiện đã nảy sinh một số bất cập, có quy định còn chưa rõ ràng. Ngoài ra, có một số nội dung mới được bổ sung trong Luật Bưu chính nhưng hiện chưa có chế tài xử phạt khi có vi phạm.
Để khắc phục những hạn chế trên, Dự thảo Nghị định mới do Bộ TTTT soạn thảo đã quy định cụ thể hình thức và mức xử phạt đối với những hành vi VPHC về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính; về chất lượng, giá cước dịch vụ bưu chính; về hoạt động bưu chính công ích; vi phạm quy định về tem bưu chính…
Theo đó, mức phạt thấp nhất 500.000 đồng áp dụng đối với hành vi như: Cung cấp thông tin về bưu gửi không đúng, không đầy đủ; từ chối trái pháp luật việc cung ứng dịch vụ bưu chính; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của người gửi về việc thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận hoặc rút lại bưu gửi khi bưu gửi chưa phát cho người nhận; thu cước chuyển hoàn đối với thư cơ bản có khối lượng đến 500 gram khi không phát được…
Mức phạt cao nhất 70.000.000 đồng dự kiến áp dụng đối với hành vi gửi hoặc nhận gửi, vận chuyển, phát bưu gửi có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước… Đồng thời, sẽ trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định này.
Tăng thẩm quyền xử phạt
Nghị định số 142/2004/NĐ-CP (Nghị định 142) quy định thẩm quyền xử phạt VPHC của Chánh thanh tra Bộ, Sở và thanh tra viên chuyên ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin… Tuy nhiên, Nghị định 142 quy định Chánh thanh tra Sở có thẩm quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng và thanh tra viên đang thi hành công vụ chỉ có thẩm quyền phạt VPHC đến 200.000 đồng. Điều này gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi vi phạm trong thực tế.
Do vậy, Bộ TTTT đã dự thảo theo hướng quy định rõ: Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, Thanh tra chuyên ngành khác, UBND các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường là những cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC về bưu chính.
Trong đó, Chánh thanh tra Sở TTTT, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền phạt đến 30.000.000 đồng. Thanh tra viên chuyên ngành TTTT đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt đến 500.000 đồng.
Đặc biệt, Chánh Thanh tra Bộ TTTT có quyền phạt tiền đến mức cao nhất là 70.000.000 đồng.