Đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư theo thẩm quyền.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư theo thẩm quyền. Các văn bản đã ban hành bao gồm:
- Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 22/01/2018 Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ và các Nghị quyết HĐND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
- Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 Ban hành Bộ đơn giá xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
- Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 Ban hành Quy định thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2018-2020.
- Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 Ban hành Bộ đơn giá đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
- Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 10/5/2018 Ban hành Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
- Kế hoạch số 835/KH-UBND ngày 13/6/2018 Triển khai thực hiện NQ số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
- Kế hoạch số 904/KH-UBND ngày 22/6/2018 Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020.
- Công văn số 569/UBND-XD ngày 27/4/2018 về việc sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Các văn bản được ban hành đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về đầu tư trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương trong việc thực hiện các trương trình, dự án đầu tư, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
Tỉnh hình quản lý quy hoạch
Lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch
- Điều chỉnh, bổ sung phương án bố trí tái định cư, quy mô, tổng mức đầu tư dự án Bồi thường, di dân, TĐC thủy điện Lai Châu (Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 05/01/2018).
- Điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án di dân, tái định cư thủy điện Huội Quảng (Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 09/5/2018) và Điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án di dân, tái định cư thủy điện Bản Chát (Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 09/5/2018).
- Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Lai Châu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2030 (Quyết định số 234/QĐ-UBND ngày 12/03/2018).
- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Lai Châu (Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 11/4/2018).
- Phê duyệt nhiệm vụ, dự toán điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đến năm 2030 (Quyết định số 457/QĐ-UBND ngày 09/5/2018).
- Phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động Mobifone tại tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 27/6/2018).
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được UBND tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Việc quản lý thực hiện các quy hoạch
- Công tác quy hoạch được UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện đúng quy định. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và làm cơ sở để xây dựng danh mục các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Các cấp, các ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch, qua đó kịp thời chấn chỉnh và kiến nghị sửa đổi bổ sung quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Các vướng mắc và kiến nghị biện pháp giải quyết
Các vướng mắc chính
- Luật Quy hoạch đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Tuy nhiên đến nay chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến công tác lập và quản lý quy hoạch gặp không ít khó khăn.
- Công tác lập, thẩm định và trình duyệt các quy hoạch đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm. Công tác giám sát thực hiện quy hoạch chưa được thực hiện thường xuyên, việc huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các quy hoạch còn hạn chế.
Kiến nghị biện pháp giải quyết
- Đề nghị Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch. Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác kế hoạch từ tỉnh đến huyện; tăng cường hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về công tác lập, quản lý quy hoạch giữa các đơn vị.
- Thực hiện nghiêm túc việc công khai quy hoạch đến các ngành, tổ chức, cộng đồng dân cư được biết; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với việc thực hiện quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Thường xuyên rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch.
Tỉnh hình thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư
- Tổng hợp số liệu về kế hoạch vốn đầu tư trong kỳ: Tổng huy động vốn đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm 2018: 2.195,903 tỷ đồng; khối lượng thực hiện: 685,027 tỷ đồng; giải ngân: 744,425 tỷ đồng. Cụ thể theo nguồn vốn như sau:
+ Vốn ngân sách Trung ương: Kế hoạch vốn giao: 612,140 tỷ đồng; khối lượng thực hiện: 219,628 tỷ đồng; giá trị giải ngân: 213,625 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch vốn giao.
+ Vốn Cân đối ngân sách địa phương: Kế hoạch vốn giao: 769,420 tỷ đồng; khối lượng thực hiện: 307,635 tỷ đồng; giá trị giải ngân: 321,372 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch vốn giao.
+ Vốn nước ngoài (ODA): Kế hoạch vốn giao: 270,343 tỷ đồng, khối lượng thực hiện: 40,395 tỷ đồng; giá trị giải ngân: 36,163 tỷ đồng, bằng 13% kế hoạch vốn giao.
+ Vốn trái phiếu Chính phủ: Kế hoạch vốn giao: 544 tỷ đồng, khối lượng thực hiện: 117,369 tỷ đồng; giá trị giải ngân: 173,265 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch vốn giao.
Quản lý các chương trình đầu tư công
Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình
Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các Chương trình theo đúng trình tự, thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo thời gian quy định. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thuộc các Chương trình đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Tình hình thực hiện các chương trình
- Việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc các Chương trình đảm bảo đúng trình tự, thẩm quyền phê duyệt. Các dự án thành phần được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, kế hoạch được duyệt.
- Về thực hiện kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu:
+ Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu: 301 tỷ đồng; khối lượng thực hiện: 129,199 tỷ đồng; giá trị giải ngân: 172,175 tỷ đồng, đạt 57 % kế hoạch vốn.
+ Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: 308,800 tỷ đồng, khối lượng thực hiện: 109,801 tỷ đồng, giải ngân: 122,670 tỷ đồng, đạt 39,7 % kế hoạch vốn.
Tình hình qản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước:
Tình hình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư:
Số dự án chuẩn bị chủ trương đầu tư trong kỳ là 30 dự án, số dự án được thẩm định là 8 dự án, số dự án có quyết định chủ trương đầu tư là 8 dự án. Các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của tỉnh, huyện, thành phố; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn cân đối khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn; phù hợp với khả năng vay – trả nợ của địa phương; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
Lập, thẩm định, quyết định đầu tư và thiết kế kỹ thuật - dự toán
- Công tác lập, thẩm định, quyết định đầu tư và phê duyệt thiết bản vẽ thi công - dự toán các công trình, dự án được triển khai thực hiện bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.
- Trong kỳ số dự án được thẩm định là 27 dự án; số dự án có quyết định đầu tư trong kỳ là 24 dự án (01 dự án nhóm B, 23 dự án nhóm C).
Tình hình thực hiện các dự án
- UBND tỉnh cùng các Sở, ngành thường xuyên kiểm tra cơ sở để nắm bắt tình hình thực hiện các dự án, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Các dự án được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt, tuy nhiên trong kỳ có 01 dự án chậm tiến độ do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (Dự án: Nâng cấp, cải tạo đường Dào San - Sì Lờ Lầu (đoạn Sì Lờ Lầu - Mồ Sì San)).
- Số dự án phải điều chỉnh 23 dự án, trong đó: 12 dự án điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư; 05 dự án điều chỉnh vốn đầu tư; 02 dự án phải điều chỉnh tiến độ vốn đầu tư; 04 dự án phải điều chỉnh do các nguyên nhân khác (04 dự án thuộc nguồn vốn Chương trình 30a huyện Than Uyên).
Các vướng mắc chính và kiến nghị các biện pháp giải quyết
Các vướng mắc chính
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và hệ thống văn bản hướng dẫn chưa được bổ sung sửa đổi kịp thời nên các cấp, các ngành, các chủ đầu tư vẫn còn lúng túng, khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện.
- Quy trình thực hiện đầu tư trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục, trong khi các kiến nghị về phân cấp, sửa đổi một số quy định về đầu tư chưa được Trung ương nghiên cứu, sửa đổi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, đặc biệt là hệ thống Luật Đầu tư công.
- Điều kiện thời tiết không thuận lợi, mùa mưa đến sớm và kéo dài, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra nhiều trận mưa lớn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân; cơ sở vật chất của địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
- Một số công trình còn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng do sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế.
- Sau khi giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/03/2018 về việc phê duyệt danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, trong đó tỉnh Lai Châu có 02 huyện thoát nghèo là Than Uyên và Tân Uyên, dẫn đến việc triển khai thực hiện đối với các dự án khởi công mới ở hai huyện còn vướng mắc, lúng túng.
Kiến nghị:
- Đề nghị Trung ương sớm giao vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 cho lĩnh vực giáo dục, vốn nước ngoài thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,...
- Đối với một số công trình sửa chữa, nâng cấp thuộc Chương trình MTQG không nhất thiết phải có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình mà căn cứ thực tế của công trình để thiết kế, đầu tư được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
- Đề nghị xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn theo hướng:
+ Thu hẹp phạm vi lập, thẩm định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, chỉ nên tập trung vào những chương trình lớn và dự án từ nhóm B trở lên. Còn lại: Đối với các dự án nhóm C (kể cả nhóm C trọng điểm), các dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia,… đề nghị bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, vì trên thực tế triển khai mất nhiều thời gian thực hiện.
+ Xem xét phân cấp, giao cho các địa phương chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc giao danh mục dự án cụ thể, điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn ngân sách Trung ương hàng năm trong khuôn khổ tổng kế hoạch vốn được giao và mục tiêu của từng nguồn vốn (Việc phân cấp như vậy sẽ đảm bảo việc chỉ đạo,điều hành ở địa phương được linh hoạt như những năm trước đây, hạn chế tình trạng kết dư và chuyển nguồn vốn kéo dài sang năm sau).
+ Xem xét phân cấp thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và phần vốn các chương trình MTQG và các dự án nhóm B, C sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, vì mục tiêu, đối tượng, phạm vị sử dụng vốn được thực hiện theo các quy định cụ thể trong Nghị quyết của Quốc hội; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quyết định phê duyệt cơ chế quản lý thực hiện và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Hạn mức vốn của các tỉnh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo số kiểm tra và thực hiện theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
+ Điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư hàng năm là: Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước kế hoạch do đó các địa phương rất khó thực hiện. Đề nghị Trung ương sớm sửa đổi quy định trên cho phù hợp.
Tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Trong kỳ báo cáo tỉnh Lai Châu không có các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư được triển khai thực hiện. Do địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều khó khăn về mặt địa lý, tiềm lực kinh tế của tỉnh còn hạn chế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Quản lý các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác
Việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh:
Công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh đã được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016-2020. Số doanh nghiệp, HTX đăng ký thành lập mới, số dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án (tăng 04 dự án so với cùng kỳ năm trước) với vốn đăng ký đầu tư 3.045 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 6 năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 192 dự án với tổng vốn đầu tư 41.837 tỷ đồng. Ngoài ra điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư 07 dự án. Cấp đăng ký thành lập 85 doanh nghiệp, tăng 03 DN so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 2.667 tỷ đồng, tăng 1.244 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nâng tổng số DN trên toàn tỉnh lên 1.380 DN, với tổng vốn đăng ký 20.319 tỷ đồng.
Các vướng mắc và kiến nghị biện pháp giải quyết:
Các khó khăn, vướng mắc:
- Khoản 1, Điều 33, Luật Đầu tư không yêu cầu Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là một thành phần hồ sơ Quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, tuy nhiên tại Mục a Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH 13 quy định Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư.
- Khoản 1 Điều 42 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định: Sau khi thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều này và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày dự án đầu tư ngừng hoạt động mà không liên lạc được với nhà đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Việc quy định này không phù hợp, vì khoảng thời gian này là quá dài làm mất đi cơ hội cho nhà đầu tư khác.
- Khoản 5 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định “Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của Cơ quan đăng ký đầu tư mở tại Ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo lựa chọn của nhà đầu tư”. Quy định này không linh hoạt dẫn đến Nhà đầu tư gặp nhiều bất lợi với số tiền ký quỹ lãi suất rất thấp tại tài khoản ký quỹ.
- Khoản 2 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định về thời điểm ký quỹ còn dao động từ sau khi dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư đến trước thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Luật và Nghị định chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định nhu cầu sử dụng đất, thời gian sử dụng đất thực hiện dự án (chỉ theo đề xuất chủ quan của Nhà đầu tư), cơ quan thẩm định không có cơ sở đối chiếu, xác định.
Kiến nghị biện pháp xử lý các khó khăn vướng mắc
- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, thời điểm đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường để đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư.
- Đề nghị bổ sung hình thức bảo đảm thực hiện dự án bằng bảo lãnh của tổ chức tín dụng vào nội dung Khoản 2 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Chốt thời điểm ký quỹ, bảo lãnh là ngay sau khi dự án được quyết định chủ trương đầu tư.
- Đề nghị điều chỉnh lại thời gian tại Khoản 1 Điều 42 Nghị định 118/2015/NĐ-CP từ 12 tháng thành 6 tháng.
- Đề nghị bổ sung phương pháp xác định nhu cầu sử dụng đất và thời gian sử dụng đất đối với dự án đầu tư.
Thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước.
Các cấp, các ngành, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra được 19 dự án. Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư không phát hiện thất thoát lãng phí trong đầu tư. Hầu hết các đơn vị trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo gửi cơ quan tổng hợp và UBND tỉnh, tuy nhiên vẫn còn một số chủ đầu tư chưa tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định, đặc biệt là việc cập nhật thông tin các chương trình, dự án và gửi số liệu báo cáo lên Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.