Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, có đường biên giới dài 265,165 km; diện tích tự nhiên 9.068 km2; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng châu thổ Sông Hồng; tỉnh có trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25o; toàn tỉnh hiện có 07 huyện, 01 thành phố (trong đó có 4 huyện biên giới, 4 huyện nghèo); 108 xã, phường, thị trấn, trong đó: 62 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới; dân số trên 45 vạn người, gồm 20 dân tộc (trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên tiếp xảy ra nhiều đợt mưa to đến rất to. Đặc biệt là 02 đợt mưa lớn ngày 24 đến 28 tháng 6 và ngày 03 tháng 8 do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp, tỉnh Lai Châu đã có mưa to đến rất to, kéo dài liên tục, gây lũ quét, sạt lở đất đá, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản (23 người chết, 14 người mất tích, 20 người bị thương; thiệt hại tài sản trên 437 tỷ đồng).
Để chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh Lai Châu báo cáo nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp để làm nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như sau:
1. Tổng hợp các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất:
Tổng số nhà bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2018 là: 1.353 nhà (có 532 hộ sơ tán tạm, hiện đã quay về nơi ở cũ không phải di chuyển, còn 821 hộ phải di chuyển), trong đó: 133 nhà sập hoàn toàn, 526 nhà bị hư hỏng, 694 nhà nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh Lai Châu đã di chuyển khẩn cấp 295 nhà (133 nhà bị sập hoàn toàn; 162/694 nhà trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất). Hiện tại các hộ này vẫn đang ở tạm tại các lán tạm, nhà người thân.
(Năm 2017, tỉnh đã di chuyển được 168 hộ, hiện tại các hộ đã làm nhà ở kiên cố).
2. Nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất:
Nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 821 nhà, trong đó:
- Số nhà đã được di chuyển đến nơi ở tạm là 295 hộ.
- Số nhà bị hư hỏng cần hỗ trợ làm nhà là 526 hộ.
- Có 05 bản, nhóm hộ phải di chuyển tập trung (bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo 28 hộ và nhóm hộ xã Làng Mô 60 hộ, huyện Sìn Hồ; bản Nậm Sập, xã Nậm Pì 50 hộ, huyện Nậm Nhùn; nhóm hộ bản Hua Cưởm I 54 hộ, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên; nhóm hộ xã Mù Sang 30 hộ, huyện Phong Thổ), ngoài nhu cầu hỗ trợ làm nhà còn phải hỗ trợ về cơ sở hạ tầng: Điện, nước sinh hoạt, trường học.
3. Chính sách hỗ trợ:
3.1. Hỗ trợ làm nhà ở:
- Hỗ trợ nhà ở theo tiêu chí về nhà ở nông thôn mới, cụ thể: Diện tích ở tối thiểu đạt 10m2/người; diện tích tối thiểu một căn nhà 24m2; diện tích tối thiểu một căn nhà 18m2 đối với hộ đơn thân.
- Với số khẩu bình quân mỗi hộ trên địa bàn tỉnh là 06 người/hộ, hỗ trợ chi phí xây dựng nhà là 03 triệu đồng/m2.
Kinh phí hỗ trợ = 821 hộ x 6 khẩu x 10 m2/người x 3 triệu đồng/m2 = 147.780 triệu đồng.
3.2. Hỗ trợ di chuyển: Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Kinh phí hỗ trợ 16.420 triệu đồng.
3.3. Hỗ trợ san nền nhà, cơ sở hạ tầng khác: Bình quân 300 triệu đồng/hộ. Kinh phí hỗ trợ là 246.300 triệu đồng.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 410,5 tỷ đồng, trong đó:
- Hỗ trợ làm nhà ở: 147,78 tỷ đồng.
- Hỗ trợ di chuyển: 16,42 tỷ đồng.
- Hỗ trợ san nền nhà, cơ sở hạ tầng đối với các bản, nhóm hộ di chuyển tập trung là: 246,3 tỷ đồng.