Từ ngày 19/10, tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trước khi ban hành đều phải gửi sở Tư pháp, văn phòng UBND tỉnh, phòng tư pháp thẩm định trước khi trình HĐND, UBND tỉnh; HĐND, UBND cấp huyện, thị xã ban hành.
Đó là nội dung trong Quyết định số 25/2010/QĐ – UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lai Châu thay thế Quyết định số 10/2008/QĐ - UBND ngày 28/3/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về ban hành quy chế thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Quy trình thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện thị là hoạt động xem xét, đánh giá của Sở Tư pháp, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phòng Tư pháp về nội dung và thể thức của dự thảo văn bản do cơ quan chuyên môn cùng cấp soạn thảo trước khi trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Nguyên tắc, nội dung thẩm định dự thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính khách, quan khoa học. Sự cần thiết ban hành văn bản, sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp của dự thảo với các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đảm bảo theo đúng trình tự và thủ tục soạn thảo văn bản quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 và đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của bản dự thảo văn bản quy phạm phạm pháp luật.
Quy chế quy định đối với các dự thảo văn bản trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện phải gửi đầy đủ hồ sơ dự thảo đến sở Tư pháp, Phòng tư pháp để thẩm định sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản. Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp của dự thảo với các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và đảm bảo theo đúng trình tự và thủ tục soạn thảo văn bản quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004.
Đối với Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh có quy định thủ tục hành chính cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo gửi Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh tham gia ý kiến về nội dung các thủ tục hành chính được ban hành thuộc thẩm quyền đã được phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật. Tính đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; đánh giá tác động của thủ tục hành chính, các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính; thủ tục hành chính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trên cơ sở bảo đảm tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý.
Quyết định quy định Trong 7 ngày làm việc đối với cấp tỉnh và 5 làm việc ngày đối với cấp huyện, cơ quan thẩm định phải gửi văn bản thẩm định cho cơ quan chủ trì soạn thảo.