Ngày 11/5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 520/UBND-NN về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lợn tai xanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh lợn tai xanh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, tính đến ngày 10/5/2012 dịch bệnh đã xảy ra tại 4 bản thuộc 2 xã, 1 thị trấn của hai huyện Tam Đường và Tân Uyên.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã tăng cường thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện khẩn 08/CĐ- UBND ngày 12/4/2012 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phòng, chống bệnh lợn tai xanh trên đàn lợn lây lan vào địa bàn tỉnh.
Đối với địa bàn đang có dịch và nguy cơ xảy ra dịch cần tập trung lực lượng bao vây dập tắt ổ dịch, không để lan rộng; củng cố và thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; tăng cường quản lý ổ dịch; cấm vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh ra ngoài ổ dịch; cho phép mổ lợn khỏe trong vùng dịch để tiêu thụ tại chỗ và có sự giám sát của cơ quan Thú y; nhanh chóng tiêu hủy lợn mắc bệnh; vệ sinh tiêu độc, khử trùng nơi có dịch và môi trường xung quanh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm phòng vắc xin lợn tai xanh, bao vây ổ dịch sau khi được hỗ trợ. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức chủ quan, lơ là, giấu dịch hoặc báo cáo tình hình dịch chậm làm dịch lây lan.
Đối với địa bàn chưa có dịch, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền các xã, phường, thị trấn, bố trí lực lượng phối hợp với ngành Thú y trong công tác kiểm tra, giám sát, dịch bệnh. Nếu có ổ dịch xẩy ra phải xử lý triệt để trong diện hẹp. Giao trách nhiệm cho chính quyền xã, thôn, bản và nhân viên Thú y trong công tác tổ chức phòng, chống dịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như việc thường xuyện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, môi trường và chăn nuôi an toàn sinh học,...Đồng thời có kế hoạch về kinh phí, nhân lực, phương tiện, dụng cụ, hóa chất, để chủ động phòng chống khi có ổ dịch xẩy ra.
Sở Nông nghiêp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các Trạm, Chốt kiểm dịch động vật, Trạm Thú y các huyện, thị xã tăng cường trực 24/24 giờ trong ngày; lập hồ sơ theo dõi việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai công tác tiêu hủy bắt buộc đối với lợn theo quy định. Chủ động nắm bắt tình hình dich bệnh động vật trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh; phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vị phạm hành chính trong công tác Thú y.