Thứ ba 20/5/2025
in trang
Chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi
 

Ngày 17/10, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân Năm 2014-2015

  

Những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên nông dân ở nhiều nơi vẫn còn chủ quan, chưa chủ động trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi như: Gieo mạ không che phủ nilon, gieo sạ, cấy lúa không chú ý tới thời tiết khí hậu; chăn thả gia súc tự do, không làm chuồng trại, không dự trữ thức ăn, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi không đầy đủ...

 
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông xuân năm 2014 - 2015 thời tiết khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, đầu vụ và thời gian giáp Tết Nguyên đán có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại kèm theo băng giá, sương muối. Mặt khác, tình hình dịch lở mồm long móng gia súc, dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát và có thể lây lan vào địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015 khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.

    
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân năm 2014 - 2015, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

 
1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và các huyện

  
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đoàn thể và chính quyền các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân kỹ thuật che phủ nilon sau khi gieo mạ, biện pháp chăm sóc, bảo vệ mạ, lúa cấy, lúa gieo sạ vụ Đông xuân; hướng dẫn chế biến, bảo quản nâng cao giá trị dinh dưỡng thức ăn thô; thu gom, dự trữ rơm, rạ, thân lá ngô sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, ngô thu, đông đảm bảo trung bình 5 - 7 kg/con/ngày, dự trữ thức ăn tinh, khoáng chất đầy đủ để bổ sung cho vật nuôi khi cần thiết; xây dựng, sửa chữa chuồng trại, chuẩn bị bạt, bao tải, phên… che chắn chuồng trại trong những ngày mưa, rét; di chuyển đàn trâu, bò từ vùng cao xuống vùng thấp; đưa gia súc thả rông về để chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại; tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng, ngoài bãi chăn trong mùa đông, nhất là những ngày mưa, rét. Đảm bảo việc hướng dẫn phòng chống đói, rét, dịch bệnh cũng như thông tin cảnh báo tình hình thời tiết bất lợi để Nhân dân biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống cho cây trồng vật nuôi.

 
Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi tới các hộ nông dân đặc biệt tại những khu vực vùng cao, những nơi thường có thiệt hại do rét đậm, rét hại trong những năm gần đây.

 
Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi từ cơ sở. Giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh ở cơ sở cho chính quyền cấp xã, phường, trưởng thôn, bản và thú y cơ sở.

 
Không thực hiện hỗ trợ thiệt hại (gia súc và diện tích cây trồng, vật nuôi chết do rét, đói, dịch bệnh) đối với những hộ gia đình không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngay từ đầu vụ. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng mạ, gia súc chết do đói, rét, dịch bệnh trên địa bàn do chủ quan, lơ là hoặc chỉ đạo triển khai thực hiện chưa nghiêm túc, quyết liệt.

 
Cập nhật thường xuyên về tình hình thời tiết khí hậu để thông tin kịp thời tới Nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống rét.

 
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

 
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn: Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo các Trạm đóng trên địa bàn các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn Nhân dân các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

   
Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh gây hại trên cây trồng; Chi cục Thú y phối hợp với UBND các huyện, thành phố, chính quyền cơ sở triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch, kiểm tra, rà soát công tác tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi.

 
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là động vật làm giống nhập vào địa bàn tỉnh qua các chốt kiểm dịch động vật.

 
Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý khi thời tiết có diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 
3. Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tổng biên tập Báo Lai Châu và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan

 
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn kiến thức về các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi bằng nhiều hình thức như: Tăng cường thời lượng tin, bài, chuyên mục, mô hình, tấm gương cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các biện pháp, kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống đói, rét, dịch bệnh để nhân rộng hoặc lồng ghép tại các buổi họp, hội nghị...

 
Minh Tiến