Thứ tư 23/7/2025
in trang
Văn hóa hòa giải trong cạnh tranh kinh doanh
 
Dù được tôn vinh, thì vẫn còn đó một thị trường để các nhà kinh doanh nhận biết cuộc cạnh tranh và hòa giải. Văn hóa cạnh tranh là ai có sức thì cứ chạy, ai chạy nhanh thì chiến thắng. Và người bị thua phải biết tôn trọng sự chiến thắng của người khác, giống như khi ta chiến thắng thì cũng được người khác chấp nhận như vậy.
Sau khi chiến tranh lùi xa, người ta thường hô hào "Biến Chiến trường thành Thị trường". Điều đó có nghĩa, trận chiến giờ tiếng súng, chiến trường bị dẹp bỏ để bày ra thị trường. Từ những chiến dịch chuyển quân ra tiền tuyến, giáp trận, súng nổ dữ dội, khói lửa ngút trời được thay bằng những đội ngũ dân sự vận chuyển hàng hóa qua trao đổi lẫn nhau. Súng đạn đã giờ được thay bằng thành tiền, hàng hóa. Những mệnh lệnh điểm hỏa đã được thay thế bằng những tiếng cười nói râm ran...  Bề ngoài chắc chắn là thế, nhưng bên trong thì không hề đơn giản chút nào! Thậm chí sục sôi, ác liệt, ganh đua, tranh giành, sinh tử chẳng khác gì một chiến trường không tiếng súng. Có một bằng chứng ngay cuối chiến trường bước vào thị trường rằng: nhiều con người gan góc quả cảm không chết ở chiến trường mà ngay ngưỡng cửa bước vào nơi đô hội ngập tràn hàng hóa đã bị phơi thây vì những viên đạn bọc đường, đến mức nhiều tướng tá và chiến sĩ đã cay đắng thốt lên: "ra sông ra biển ta không chết mà lại chết ở vũng trâu đầm".
Chắc hẳn thị trường có những khốc liệt của nó. Người Việt có câu "Ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn". Trời ơi, ghen vợ ghen chồng là gì? Đó là những màn ghen có thể người ta đánh mất hết sự kiểm soát, điên lên chẳng cần phân biệt gì cả, đem dao, đem súng, axit, rồi lựu đạn lăn xả vào đòi đánh tan nát tình nhân hay tình địch. Ghen lên người ta có thể làm tất cả như Othello xiết hai bàn tay đen đúa cứng như kìm của một võ tướng vào chiếc cổ mềm mại ngọc ngà của Desdemona, vậy mà vẫn không bằng ghen ăn ư, tại sao vậy? Vì ăn là bản năng sống, và hơn thế là sống sót. Bản năng sống có trước bản năng giới tính, tình yêu hay tình dục. Một con người được chào đời thì nó phải được bú mớm, ăn uống, nuôi dưỡng để lớn lên. Rồi lớn lên vẫn phải ăn tiếp để sống. Vì thế bản năng sống là nguồn gốc của bản năng yêu, nó xuất hiện liên tục, triền miên, thường trực chứ không phải như bản năng yêu chỉ xuất hiện có thời, có buổi.
Vậy thì chiến trường so sánh độ khốc liệt với thị trường thế nào? Chiến trường là gian khổ nhất, hành quân trong đêm, đi xuyên qua bưng biền lõm bõm, rồi trèo núi cao nóng rát gan bàn chân, và điểm hỏa rồi hứng lệnh điểm hỏa từ phía đối phương, tên bay, đạn lạc, rồi không trúng thì bị sức ép của bom mìn, chỉ cần một mảnh vụn của vỏ mìn đã khiến người ta tử trận... Vậy thì có gì khốc liệt bằng chiến trường đây?!
Nhưng có câu "Nuôi quan ba năm dùng trong một ngày". Chiến trường tuy ác liệt, cái chết đến thật trực tiếp, nhưng sự khốc liệt của nó chỉ kéo dài trong một ngày. Còn thị trường thì sao? Hãy thử nhìn hai cửa hàng, hay hai công ty ở cạnh nhau, họ vào cuộc tranh giành với nhau có giờ phút nào ngừng thi thố. Họ kinh doanh buôn bán, họ chỉ thi thố bằng mồ hôi sao? Không! Đã có trường hợp, cửa hàng bánh bao bên này thấy cửa hàng kia đông khách quá trong khi quán mình lại vắng teo, liền nghĩ cách đánh bả vào nồi nước làm bánh của cửa hàng bên kia, làm cho cả trăm người ngộ độc thức ăn, suýt thì tử vong . Thế rồi những  con đường buôn bán đâu có đơn thuần chỉ có người chở hàng đi qua biên giới, mà vô vàn những đường tiểu ngạch chạy liều mạng và bất chấp qua những bãi mìn và dây thép gai, rồi cả những người lính vũ trang súng ống, những kẻ liều mạng đi buôn đã phải trả cả máu của mình để đổi lấy miếng cơn manh áo sinh nhai hàng ngày. Còn vô vàn các cảnh buôn bán khác, dịch vụ là ngành chiếm từ 30% đến 70% thu nhập quốc dân chẳng hạn, dịch vụ đó có đi vòng qua hay bỏ lại phía sau việc buôn son phấn hay con người không? Xưa kia người ta buôn nô lệ cả nam lẫn nữ. Ngày nay việc của đàn ông đã có máy móc làm, vì thế các đường dây buôn người chỉ tập trung vào buôn bán đàn bà và trẻ em gái. Các tầu chở hàng, các công ten nơ chất chứa đầy đàn bà con gái, rồi các đường biên toàn dây thép gai và mìn in dấu của những guốc dép đàn bà con gái bị kéo lôi xềnh xệch đến thẳng thanh lâu... Đó liệu có phải là những bằng chứng khốc liệt cho một thị trường buôn bán và kiếm sống không?!

Vì thế có thể nói, chiến trường chỉ khốc liệt có giờ, còn thị trường khốc liệt liên tục. Chiến trường có địa điểm nhất định là nơi khai hỏa, còn thị trường bày ra trên mọi nẻo đường và mọi địa hình. Nhưng đó chưa phải đinh cao sự khốc liệt của thị trường. Chiến trường là nơi đi gặt hái chiến thắng và vinh quang, còn thị trường trước kia chỉ là nơi xấu hổ. Khi người ta nói bọn "buôn thúng bán mẹt", hoặc "kẻ đầu đường xó chợ" là nói về những người buôn bán. Chỉ có kẻ buôn bán mới đòi ra mặt đường hay mặt phố để trở thành kẻ đầu đường xó chợ chứ. Một cách chính thức xưa kia người ta rất khinh những người làm nghề kinh doanh buôn bán. Ở Việt Nam có mấy thứ bị gọi là con: như con đĩ, con hát (vì xướng ca vô loài), rồi con buôn. Chưa thấy ai là nông dân mà bị gọi là con nông dân cả. Tại sao vậy? Người buôn bán thì còn bị gọi là "thương mại". Chữ "mại" chẳng qua là chữ "mạt", tức "mạt hạng", gọi lâu thành chữ "mại" mà thôi. Người Việt còn hay dùng từ "trọc phú" để ám chỉ những kẻ có tiền nhiều mà vẫn không thoát khỏi sự ô trọc.
Nhưng thời đại mới đã cất cánh cho các nhà kinh doanh. Qua các hội nghị của các nhà băng lớn trên thế giới chẳng hạn, người ta thấy được vai trò điều hành, chi phối, ban phát vốn của các nhà băng đã góp phần quan trọng trong việc an sinh và cải thiện đời sống của thế giới. Đặc biệt các nhà băng đã giữ vai trò chủ chốt trong việc ban phát ngày nghỉ ở nhiều quốc gia. Vì thế các nhà kinh doanh, các nhà tài phiệt giờ đây không những không phải gánh chịu mặc cảm kỳ thị sai lầm như xưa mà họ còn được tôn xưng hơn bao giờ hết. Ở Việt Nam chẳng hạn, có rất nhiều người chỉ muốn con mình thi và học các trường kinh tế và thương mại.
Nhưng dù được tôn vinh, thì vẫn còn đó một thị trường để các nhà kinh doanh nhận biết cuộc cạnh tranh và hòa giải. Có cạnh tranh xã hội mới phát triển, nhưng không thể cạnh tranh theo lối ở chiến trường nghĩa là tìm cách tiêu diệt đối phương như cách nhà hàng làm bánh bao kia bỏ thuốc độc vào hàng bán bánh của hàng xóm. Văn hóa cạnh tranh là ai có sức thì cứ chạy, ai chạy nhanh thì chiến thắng. Và người bị thua phải biết tôn trọng sự chiến thắng của người khác, giống như khi ta chiến thắng thì cũng được người khác chấp nhận như vậy. Có một minh chứng cho chúng ta, đó là sau mỗi kỳ bầu cử ở Mỹ, ứng cử viên thất sủng dù có buồn phiền cỡ nào cũng tiến đến chào mừng ứng cử viên đắc cử. Vậy thì các nhà kinh doanh cũng nên biết cách làm như vậy.
Nhưng bằng lòng vẫn chỉ là thái độ mà thôi, chúng ta phải biết tiến hành việc làm bằng nguyên lý lẫn cái đầu. Trong cuốn "Cộng Hòa" (của Platon), triết gia Socrate đã dạy: con người chỉ thành đạt khi sống và làm việc theo sở trường của mình. Và chỉ có theo đuổi sở trường riêng có mà sự cạnh tranh sinh tồn của xã hội mới bớt gay gắt hơn. Con chim biết hót, con cá biết bơi, khi ta làm việc theo sở trường của mình thì ta sẽ nhất bởi lẽ người khác khó mà có sở trường giống ta. Nhưng ở Việt Nam, ít người chịu động não để sống theo sở trường, ở thị trường chứng khoán chẳng hạn, người ta phát hiện, nhiều người Việt mang tâm lý đám đông, theo đuôi... chẳng hạn trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, thấy quán người khác đặt là "Ông già" hay "Lan Chín"... vậy mà một loạt quán cũng cứ thế mà đặt tên theo, đó là cách tự tiêu mất cơ hội làm ra thương hiệu của mình.
Nguyên lý hòa giải kinh doanh là gì? Chúng ta thử kết thúc đề tài của mình bằng mấy rút gọn:
1-Chấp nhận có cạnh tranh, cạnh tranh để phát triển. Nhưng cạnh tranh một cách lành mạnh hòa bình. Nếu ta chấp nhận người khác có quyền hơn ta, thì người kém ta mới chấp nhận điều đó.
2-Hãy khai thác sở trường của mình để nó không bị "đụng hàng", có như vậy ta mới có cơ hộ trở nên đệ nhất , làm cho việc cạnh tranh xã hội bớt căng thẳng hơn, và cũng làm cho xã hội được phong phú hơn. Đó cũng chính là cách "muôn hoa đua nở, muôn nhà đua tiếng".
Muốn cạnh tranh thì chúng ta phải tạo ra môi trường cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh đó cũng là tiền đề để chúng ta hòa giải khi gặp phải những bât đồng nào đó. Xin chúc các nhà kinh doanh mỗi ngày mỗi giầu có hơn, nhờ biết cạnh tranh hơn, và cũng biết hòa giải hơn!
 
Theo vietnamnet.vn