Thứ năm 24/7/2025
in trang
Kiềm chế lạm phát, đừng để "đục nước béo cò"
 
Chuyên gia Vũ Quốc Tuấn kiến nghị những giải pháp căn cơ liên quan đến kiểm soát đầu tư công, minh bạch tín dụng cho các loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện cho dân giám sát để thực hiện đúng hướng và hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 trong đó nêu ra bảy nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những giải pháp đúng đắn, kịp thời. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần cụ thể hóa hơn nữa các giải pháp và chỉ đạo điều hành thật đồng bộ để các giải pháp đi vào cuộc sống, đem lại những chuyển biến theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế đã đề ra. Xin kiến nghị một số vấn đề như sau.
Giảm đầu tư cho tập đoàn nhà nước, bố trí vốn cho tư nhân
Các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 là nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; nhưng việc thực hiện phải theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra, tức là chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, tôn trọng chất lượng và hiệu quả, khắc phục tình trạng phát triển theo chiều rộng, chạy theo số lượng với hiệu quả thấp và sức cạnh tranh kém. Ví dụ theo Nghị quyết 11, tổng tăng trưởng tín dụng phải dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16% là nói chung; còn trong điều hành, đối với những ngành nghề cụ thể, chắc phải có tăng, có giảm, để cuối cùng đạt mục tiêu giảm.
Trong tình hình hiện nay, các ngành kinh tế đều thiếu vốn, song để cơ cấu lại nền kinh tế, giảm tín dụng phải nhằm trước hết giảm những khoản đầu tư cho các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước - những địa chỉ đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát lãng phí. Đồng thời, phải chú trọng giải quyết vốn cho việc phát triển sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp làng nghề, nhất là những ngành nghề chủ yếu dùng nguyên vật liệu trong nước, ít sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu.
Xin nói thêm rằng làng nghề nước ta hiện có hàng vạn hộ gia đình và doanh nghiệp kinh doanh, thu hút đến 11 triệu lao động, có tác dụng rất lớn trong xây dựng nông thôn mới. Như vậy, tăng tín dụng cho phát triển nông thôn, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa các làng nghề vừa tạo việc làm ở nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt nhập siêu, cũng tức là góp vào việc cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại đầu tư, v.v... phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ảnh minh họa: saga.

 

Việc cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5%GDP như Nghị quyết 11 đề ra là rất đúng đắn và càn thiết, vì đầu tư công là một kênh chủ yếu gây ra lạm phát; song phải thấy rằng việc này là rất khó khăn, cần thực hiện một cách kiên quyết, bởi vì trong thực tế, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, nhu cầu đầu tư là rất lớn; nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn đang đòi hỏi thêm vốn đầu tư.
Do đó, điều quan trọng là cắt giảm đầu tư công phải nhằm hướng cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế; cần xem xét ngành nào, lĩnh vực nào cần đầu tư và nhất thiết phải do Nhà nước đầu tư; công trình nào, ngành nghề gì thì nên có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư. Nhà nước ôm đồm, đầu tư dàn trải, thời gian xây dựng kéo dài, vốn đầu tư tăng thêm, v.v... hiệu quả thấp và góp phần tăng lạm phát là khó tránh khỏi.
Song quan trọng hơn nữa là do cơ cấu đầu tư không được lựa chọn kỹ lưỡng sẽ gây ra lãng phí vốn mà không góp phần vào việc hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý của đất nước. Do đó, phải có một danh sách cụ thể các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc trái phiếu chính phủ, trên cơ sở đó, thực hiệm việc cắt giảm một cách hợp lý.
Đừng để "đục nước béo cò", trục lợi chính sách
Việc thực hiện đầy đủ, đồng bộ Nghị quyết 11 là rất quan trọng; do vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ. Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, toàn dân ta và các doanh nghiệp đều phải chung tay thực hiện những quyết định đúng đắn của Chính phủ, theo đúng vị trí của từng người, từng cơ quan, doanh nghiệp. Nhất thiết không để xảy ra tình trạng "đục nước béo cò"; "té nước theo mưa", lợi dụng chính sách để mưu cầu lợi ích riêng của phe nhóm, không thực hiện hoặc thực hiện nửa vời, kéo dài ... gây tổn hại chung cho nền kinh tế. Hơn nữa, việc thực hiện từng chủ trương, chính sách cần đồng bộ, đồng thời, mới có tác dụng tích cực, kịp thời đối với nền kinh tế, do vậy lại càng cần sự chỉ đạo tập trung, đồng bộ và sự giám sát chặt chẽ.
Đương nhiên, việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 11 trước hết là thuộc trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và bản thân từng bộ, ngành, song điều xin nhấn mạnh ở đây là việc phát huy chức năng giám sát của xã hội, của cộng đồng dân cư từng địa phương; trong đó có vai trò rất quan trọng của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự, các hội, hiệp hội.
Việc công bố công khai, minh bạch những khoản tín dụng cho các loại hình doanh nghiệp; những công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc trái phiếu chính phủ, những công trình, dự án cần dừng, đình hoãn, dãn tiến độ; kết quả rà soát tình hình đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; việc cắt giảm các chi tiêu thường xuyên của các cơ quan nhà nước, v.v... sẽ tăng thêm lòng tin của nhân dân về quyết tâm thực sự của các cơ quan nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát; hơn nữa, là tạo điều kiện cho sự giám sát của cộng đồng, của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự đối với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, tăng thêm đồng thuận xã hội, bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết.
Các đoàn thể nhân dân đã được tổ chức trong các cơ quan nhà nước các ngành, các cấp; các tổ chức xã hội dân sự, nhất là các hội, hiệp hội ngành nghề cũng đang có mặt trong nhiều lĩnh vực kinh tế, là những tổ chức rất gần gũi với các hoạt động kinh tế, xã hội, do đó có nhiều thuận lợi trong việc góp ý kiến cụ thể hóa Nghị quyết 11 cũng như giám sát việc thực hiện đúng mục tiêu, hiệu quả.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan nhà nước thực sự tôn trọng quyền tham gia của cộng đồng mà đại diện là các doàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự, thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, đồng thời lắng nghe ý kiến của các tổ chức này, tìm ra những giải pháp hữu hiệu, cùng hướng tới đạt kết quả tốt trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
* Tác giả từng là trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, hiện là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam.
 
Theo vietnamnet.vn