Thứ tư 23/7/2025
in trang
Dựng lều kiếm chữ nơi bản nghèo biên giới
 
Ở một bản nghèo tít tận cùng xã biên giới Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), có một dãy lều dựng gần bờ suối để 40 học sinh về từ các bản vùng xa tìm về trọ học, kiếm chữ.  
Đường vào xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) vừa chạy vừa ngắm đáy vực. Bánh xe Win bám nghiêng ngả ven mép núi. 
Dòng suối Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) chảy từ rẻo đường biên về tới bản Nậm Ô thì cắt đôi con đường độc đạo vào với cái vùng đất quanh năm sơn lam chướng khí.

Ở đó, có 1 ngã ba, muốn đi tiếp thì vượt núi trèo lên dốc thẳng đứng vào 8 bản vùng biên. Bằng không, leo qua cây cầu treo ọp ẹp vào trung tâm xã.

Trung tâm xã Nậm Ban lèo tèo hơn chục nóc nhà. Nhưng cái điều ấn tượng nhất với mấy khách lạ đến từ vùng xuôi là chừng 5 túp lều dựng ven bờ suối. Ở đó, có 40 học sinh đến từ các bản xa, đi bộ mất chừng 6 - 8 giờ mới đến được trường.

Hầu hết học sinh ở Trường PTCS Nậm Ban này đều thuộc các bản nằm tít mù ở xã biên giới nghèo đói quanh năm. Mỗi ngày, 3 đứa trẻ chung nhau 1 nồi cơm nấu vội. Thức ăn chỉ là đủ loại rau rừng nhặt được hay vài con cá suối đặt đó bắt lên, bé bằng 2 ngón tay.

Quanh năm, thức ăn thường nhật chỉ có gạo chấm muối trắng, rau rừng nấu canh lõng bõng nước và cá khô ăn dần. Vậy mà đám trẻ hơn 40 đứa ở vài căn lều tạm đó đang gồng mình theo học, từ lớp 5 đến lớp 8.

Tất cả các em phần đông là người dân tộc H’mông, và cùng đến từ những bản rất xa. Hằng tuần, đám học trò nghèo này thay nhau về nhà cõng gạo đến trường.

Phương tiện cơ giới "hạng nặng" vào được Nậm Ban, phải nhờ vào những thiết bị tự tạo như thế này.
Nơi đây, những đứa trẻ lớn lên lăn lóc như củ khoai, củ sắn, nhem nhuốc, luôn ngơ ngác khi thấy khách lạ vùng xa.

 
Những đứa trẻ trọ học thường ngại người lạ, thấy khách giơ máy ảnh lên là lũ lượt bỏ chạy. Phải nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo rất trẻ cắm bản dạy học, rốt cuộc PV VietNamNet mới có cơ hội tiếp cận với những cư dân của vùng cao đang dựng lều kiếm chữ ven dòng suối Nậm Ban này.

Một học sinh mới 13 tuổi đến từ bản giáp tận cùng đường biên với nước bạn Lào, cách trung tâm xã gần 20 cây số bảo rằng cháu học hết chữ ở suối này, sẽ về Lai Châu học tiếp, rồi tiếp tục về xuôi tìm cái chữ.

Người H’mông giờ biết trồng cây thảo quả, đi nương, vay vốn nuôi bò, dê...  Nhưng cái chữ thì chưa nhiều người biết.

Bản nghèo, xã nghèo, ở một huyện nghèo nhất nhì tỉnh Lai Châu, người dân sống nhờ vào những nghề "tự cấp tự túc" là chính. Cuộc sống của họ luôn loay hoay với miếng cơm manh áo ngày thường.


Và cha mẹ lũ trẻ dạy rằng chúng phải thay cha mẹ cõng cái chữ về với bản, để trẻ con có thể chỉ cho người già cách đọc chữ, làm tính…

Chỉ có học, những người ở vùng biên giới xa xôi mới hy vọng biết được những kiến thức từ vùng xuôi.

Cán bộ biên phòng Lã Hồng Vương, người dẫn đường cho chúng tôi kể: "Cách nay vài năm vào bản, chó đói đến mức chỉ đang nằm ngó đôi mắt lờ đờ nhìn khách rồi gục xuống, bởi không còn sức mà sủa. Còn dân ở Nậm Ban thì nằm vất vưởng quanh bếp lửa trong lều, quanh năm uống rượu, chai vứt lăn lóc, tỉnh dậy nhìn thấy cán bộ là mời uống. Khách chưa kịp từ chối thì đã thấy chủ quay ra uống rồi".

Nậm Ban ngày nay vẫn còn nghèo. Người dân vẫn đang loay hoay tìm lối ra cho một vùng đất quanh năm sơn lam chướng khí, dân thiếu chữ, đói cơm.

Nhưng, những túp lều dựng ven suối kiếm chữ ở Nậm Ban của đám trẻ vùng cao tìm về theo học ở cái xã biên giới mịt mù này cũng đã là một điểm sáng. Để thấy, nghèo, đâu phải là lằn ranh không thể vượt qua để cản chân con trẻ tới trường.

Lối mòn ven suối dẫn vào khu dựng lều trọ học của 40 học sinh ở bản Nậm Ô...

 

Rất nhiều căn lều khoá cửa. Chủ nhân của căn lều này đang về nhà cõng gạo tới trường....

Những học sinh thay phiên nhau hằng tuần về nhà để lấy gạo. Mỗi túp lều như thế này có từ 5-7 học sinh về từ các bản nghèo giáp biên lưu trú.


Thay phiên nhau hằng ngày, mỗi đứa trẻ luân phiên nấu cơm. Củi tự vào rừng kiếm, nước múc ở suối lên... bữa ăn thường nhật bày biện chỉ có nồi cơm to, ít nước canh nấu rau rừng lõng bõng và một vài chú cá suối bé bằng 2 ngón tay thi thoảng bắt được bằng cách đơm đó.

Chiều xuống muộn, núi rừng trở lạnh. Chút hơi ấm bên bếp lửa đun sôi nồi nước có đủ sưởi ấm cho các học sinh nghèo?

Cậu bé này có nhiệm vụ đun nước cho cả lều, gồm 4 em ở lại cuối tuần...

... còn trong một căn lều khác, một nồi cơm cũng vừa được bắc lên bếp.


Khó khăn là vậy, nhưng những trang vở học sinh luôn đầy ắp những dòng chữ chép bài ngay ngắn, thẳng hàng với chữ viết gọn gàng.



Hình ảnh một buổi cơm chiều quen thuộc: Khi cậu bé bên hình trái đang rửa sạch cây cời cơm, thì một cậu bé khác tranh thủ đan chiếc đó bé tý bằng cây rừng để tối đem xuống suối đặt đăng cá. Trang thủ chút nắng muộn, một cậu bé khác đang ôn bài, rồi cùng chúng bạn đố nhau những câu hỏi về các bài được thầy cô giáo dạy.


Cuộc sống của các giáo viên cắm bản ở Nậm Ban nói riêng và giáo viên vùng cao nói chung còn quá đỗi khó khăn....

... nên những túp lều trọ học ven suối của học sinh cũng xiêu vẹo. Ít tiếp xúc với khách lạ, nên học trò vùng cao cũng chẳng thể có sự dạn dĩ như học trò miền xuôi.


Cậu bé này nói rằng cha mẹ cậu dạy rằng:  "Phải thay cha mẹ cõng cái chữ về với bản, để trẻ con có thể chỉ cho người già cách đọc chữ, làm tính…". Học hết cái chữ ở Nậm Ban, em sẽ tìm về Lai Châu, rồi về miền xuôi học tiếp. Nghèo, đâu phải là lằn ranh không thể bước qua, cản nổi bước chân trẻ ham học tới trường.

 
Theo vietnamnet.vn