Chủ nhật 27/7/2025
in trang
Thành phố Lai Châu: Nhiều giải pháp phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc
 

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã có 5/7 xã, phường (phường Quyết Tiến, Đoàn Kết, Đông Phong, Tân Phong, Quyết Thắng) có lợn mắc bệnh với những biểu hiện triệu chứng của bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn và địa phương, tình hình lợn mắc bệnh đã được kiểm soát, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh mới.

 

Ảnh minh họa

Gia đình chị Lò Thị Thanh – tổ 15, phường Tân Phong có 50 con lợn thì đã có 5 con bị chết, những con còn lại đều xuất hiện triệu chứng lâm sàng với bệnh LMLM. Nhiều con  bỏ ăn, miệng chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụn nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu vú; không đi, đứng được. Đàn lợn bị bệnh khiến chị Thanh đứng ngồi không yên vì đây là khối tài sản lớn của gia đình chị. Chị Thanh cho biết: “Khi thấy lợn bị bệnh, gia đình tôi vô cùng lo lắng vì đàn lợn đã nuôi lâu và chuẩn bị xuất chuồng. Nếu thiệt hại thì ước tính khoảng trên 200 triệu đồng. Từ khi đàn lợn mắc bệnh, hàng ngày gia đình tôi phải rửa chuồng thường xuyên, phun thuốc khử trùng 3 lần/ngày, khử trùng môi trường xung quanh và các vật dụng có liên quan. Gia đình tôi cũng đã nhờ cơ quan chuyên môn đến thăm khám và thực hiện điều trị bệnh cho lợn theo đúng hướng dẫn như: Bôi các loại thuốc như xanh Methylen 1%, thuốc tím 1%, Formol  1%, phèn chua 3%, axit acetic 3% lên các vết thương hở của lợn".

    

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lai Châu, tính đến ngày 15/1, tổng số lợn mắc bệnh trên địa bàn thành phố là 470 con. Trong số đó, đã có 302 con được chữa khỏi dứt điểm với các triệu chứng của bệnh LMLM, buộc phải tiêu hủy 35 con, số đang điều trị 133 con. Để tránh việc lan dịch trên diện rộng và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền các địa phương xuống từng hộ dân có lợn nhiễm bệnh triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch. Đồng chí Bùi Minh Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lai Châu cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của các địa phương Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch như: Thu gom các chất thải, đốt ngay trên nền chuồng nuôi hoặc đem ủ theo phương pháp nhiệt sinh học”.

    

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân về quy cách khử trùng tại các hộ gia đình nên thực hiện như sau: Tiến hành rắc vôi bột tại lối đi nơi có gia súc ốm, có túi vôi bột đặt tại rãnh thoát nước sinh hoạt trước khi đổ ra ngoài; rắc vôi bột ngang đường đi (chiều dài 3- 4 m) để sát trùng tất cả các phương tiện vận chuyển, người qua lại. Sau khi đã vệ sinh cơ giới xong, cần tiến hành phun thuốc sát trùng lên toàn bộ bề mặt nền, tường, chuồng.... Lưu ý trong quá trình phun phải đảm bảo làm ướt toàn bộ bề mặt vật được sát trùng (nồng độ pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất, liều lượng phun từ 80ml đến 100ml thuốc đã pha trên một mét vuông diện tích). Đối với hộ có gia súc bị bệnh cần phun thuốc sát trùng mỗi ngày 1 lần; đối với các bản, tổ dân phố có dịch thì phun 2 lần/tuần; đối với xã, phường có dịch thì cần phun 1 lần/tuần cho đến khi hết dịch.

    

Đối với gia súc bị bệnh, người dân nên điều trị theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và cần báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng. Đối với gia súc bị bệnh, khi bị sốt cao có thể dùng thuốc giảm sốt, kháng sinh để tránh nhiễm trùng kế phát, tiêm thuốc trợ sức, trợ lực như Cafein, B.Comlex... để hỗ trợ điều trị.

    

Thời điểm giáp Tết, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân trong các vùng dịch không nên bán chạy, giết mổ gia súc bị bệnh hoặc có biểu hiện bệnh. Tạm dừng việc xuất, nhập, giết mổ, buôn bán gia súc và sản phẩm gia súc trong thời gian có dịch. Không chăn thả gia súc tự do, kể cả gia súc chưa mắc bệnh cho đến khi hết dịch; tại các bãi chăn thả phải được tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng. Đối với cán bộ Thú y cơ sở cần phối hợp tốt với các trưởng bản, tổ dân phố kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh tiêu độc môi trường, biện pháp nuôi dưỡng chăm sóc.

  

Đối với người dân vẫn yên tâm sử dụng thịt gia súc khi trên thân, thịt bán có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chuyên môn về thú y.

 
Thu Hoài