Thứ ba 20/5/2025
in trang
Lai Châu tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
 

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Qua đó, đã phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản.

Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, từ khoáng sản nguyên liệu (vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ, gốm sứ, nguyên liệu hóa, than...) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, thiếc..), một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (sắt, đồng, chì, kẽm, molipden...), công nghiệp điện hạt nhân (đất hiếm, uran, thori...) và tài nguyên nước khoáng, nước nóng.

Nhằm khai thác một cách hiệu quả khoáng sản phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản được chú ý triển khai. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 28 giấy phép khai thác; Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 02 giấy phép khai thác. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh; trước đây là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát san lấp, cát xây, sét sản xuất gạch ngói do nhu cầu xây dựng và nguồn vật liệu chưa đáp ứng thì giờ đây là đất hiến, vàng (khi giá đang lên cao). Việc khai thác bừa bãi đưa đến nhiều hệ lụy khôn lường, ngoài việc làm thất thoát tài nguyên quốc gia còn gây ra những hệ lụy khác như môi trường sinh thái bị ô nhiễm; sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn…

Để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh đã ban hành nhiều các văn bản quản lý khoáng sản trên địa bàn như: Quyết định số 1660/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về việc phê duyệt, công bố các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lai Châu đến năm 2020; Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 về việc quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện ký kết các Quy chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu với 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên.

Song song với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch cụ thể thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức cá nhân; công tác bảo vệ khoáng sản tại các khu vực chưa cấp phép hoạt động được tăng cường, tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành và thực hiện 02 đợt/năm. Giai đoạn 2011-2018, tỉnh đã tổ chức được 06 cuộc thanh tra, 27 cuộc kiểm tra đối với 31 tổ chức và 02 cá nhân; UBND các huyện tổ chức được trên 20 đợt kiểm tra. Qua công tác kiểm tra, thanh tra tỉnh đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 26 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 1.127,8 triệu đồng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản ngày càng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền trên Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; tổ chức giao lưu, giải đáp trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử chuyên ngành để giải quyết thắc mắc của các tổ chức, cá nhân về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản...

Đồng thời, tỉnh đã tăng cường trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý khoáng sản trên địa bàn; yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn; lập biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo thẩm quyền. Nếu để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho các hoạt động khoáng sản trái phép, trái pháp luật phải xử lý kịp thời, nghiêm minh để việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu mang lại hiệu quả thực sự.

Với nhiều giải pháp quyết liệt trong quản lý Nhà nước về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thời gian qua tỉnh đã kiểm soát, hạn chế được tình trạng khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép; việc tận thu tài nguyên khoáng sản của các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án được thực hiện nghiêm túc và đúng với các quy định của tỉnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

 

 
Sơn Tùng-Tp Lai Châu