Thứ ba 20/5/2025
in trang
Lai Châu: Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi
 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, để chủ động ngăn chặn và phòng, chống hiệu quả bệnh DTLCP, tỉnh Lai Châu đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh và giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất cho người chăn nuôi.

 

Đ/c Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Trại chăn nuôi Quang Tú, xã Bản Giang (Ảnh: Hà Dũng)

 

Hiện tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh trong nước và có chiều hướng lan rộng. Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT), tính đến ngày 10/3/2019, cả nước đã có 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh DTLCP, trong đó có Điện Biên là tỉnh giáp ranh với Lai Châu nên nguy cơ dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh Lai Châu được xác định là khá cao.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP như: Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 10/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh Lai Châu; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 10/3/2019 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số 240 /QĐ-UBND ngày 07/3/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh… Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các cơ quan, đơn vị đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bệnh DTLCP ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

  

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh với 16 thành viên thuộc các sở, ban, ngành do Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan thường trực. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp trên địa bàn. Thời điểm này, tỉnh đã thành lập 04 chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh (gồm các chốt ở: Xã Phúc Than, huyện Than Uyên; ngã ba Lai Hà, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn; xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và xã Mường Kim, huyện Than Uyên). Các chốt KDĐV tổ chức, bố trí phân công lực lượng trực 24/24h; thực hiện phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện giao thông (trừ xe máy) từ bên ngoài đi vào địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền của huyện, xã xử lý các hành vi vi phạm theo quy định...

  

Công tác thông tin, tuyên truyền được tỉnh đẩy mạnh để người chăn nuôi và Nhân dân nhận thức đúng về bệnh DTLCP; thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn; đồng thời, khi phát hiện lợn có triệu chứng bị bệnh phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời. 

  

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao, vùng giáp ranh với các tỉnh bạn, nơi buôn bán, các chợ, cơ sở giết mổ, điểm tập kết, trung chuyển lợn; siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bị bệnh, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở các xã, phường, thị trấn, các trang trại, gia trại trên địa bàn để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc và phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là hoặc vi phạm quy định về phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi năm 2019.

  

Đối với các huyện biên giới, các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khu vực biên giới tăng cường phối hợp, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn triệt để việc vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

  

Ông Hà Văn Um-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Là cơ quan thường trực trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Sở tăng cường hướng dẫn các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch; bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ lấy mẫu chẩn đoán vi rút gây bệnh; thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc đợt 1 năm 2019.  Đặc biệt, Sở thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến bệnh DTLCP để tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống phù hợp...

  

Với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và sự tích cực thực hiện của người dân, mong rằng sẽ ngăn chặn được bệnh DTLCP xâm nhập vào địa bàn tỉnh. 
 

 
Sơn Tùng