Chủ nhật 18/5/2025
in trang
Tỷ lệ hòa giải thành công tại Lai Châu từ năm 2013-2018 đạt 85%
 

Qua 5 năm (2013-2018), toàn tỉnh đã tổ chức được 50 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho 2.560 lượt hòa giải viên.

   

Tổ chức tuyên truyền pháp luật về hòa giải được 5.405 cuộc cho 245.350 lượt người; biên soạn và phát hành trên 1.500 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, cung cấp trên 120.000 tờ gấp pháp luật cấp phát cho Tổ hòa giải ở cơ sở và người dân trên địa bàn tỉnh;... Tiến hành hòa giải 4.927 vụ việc, trong đó số vụ hòa giải thành là 4.212 vụ việc, số vụ hòa giải không thành là 715 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành công đạt 85%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 1.157 Tổ hòa giải với 6.115 hòa giải viên. (trong đó nam: 4.736 người; nữ 1.379 người; hòa giải viên là người dân tộc 5073 người). Mạng lưới Tổ hòa giải đã được thành lập rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mỗi thôn, bản, tổ dân phố có 01 Tổ hoà giải.

Việc triển khai, thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp. Đồng thời, tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội; tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nề nếp và đạt hiệu quả, góp phần kiện toàn, phát triển công tác hòa giải cơ sở nói riêng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nói chung.

Qua nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Một số địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí nhất định phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.

 
Thu Hoài