UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam
Đồng chí Tống Thanh Hải-Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam vào chiều ngày 04/4.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành tỉnh có liên quan và đại diện lãnh đạo UBND huyện Sìn Hồ, huyện Phong Thổ cùng các thành viên đoàn công tác Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Lao động & Thương binh xã hội, tuyến đường thị xã Lai Châu(cũ) – Ma Lù Thàng được khởi công ngày 09/10/1954 và đi qua các xã: Huổi Luông, Pa Tần, Nậm Ban thuộc huyện Sìn Hồ chạy dọc theo dòng Nậm Na; tuyến đường dài 100km do các Thanh niên xung phong chống Pháp 34 và 40 từ Điện Biên phủ được điều động về thị xã Lai Châu mở; tuyến đường này thông giữa huyện Phong Thổ của tỉnh Lai Châu và huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Trong quá trình mở tuyến đường chiến lược này có khoảng 100 Thanh niên xung phong Công trường 111 đã nằm lại tại đây do sập hầm, đá lăn, sốt rét,… đến này, đã có 11 trường hợp Thanh niên xung phong đã được công nhận là liệt sỹ.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc các đại biểu đã bổ sung, làm rõ ý nghĩa lịch sử của con đường chiến lược thị xã Lai Châu(cũ) – Ma Lù Thàng.

Đại diện Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đề nghị tỉnh Lai Châu cho ý kiến xác nhận về thời kỳ mở đường chiến lược thị xã Lai Châu (cũ) – Ma Lù Thàng giai đoạn 1954 – 1956; đánh giá, xác nhận về tính chất, ý nghĩa phục vụ an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội ở vùng miền núi Tây Bắc từ thời kỳ 1954 đến nay, là con đường đi qua địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, phục vụ công tác xác định điều kiện công nhận liệt sĩ đối với TNXP mở đường chiến lược Lai Châu – Ma Lù Thàng. Đồng thời, Hội Cựu TNXP cũng đề nghị tỉnh xem xét xây dựng công trình bia tưởng niệm tại ngã ba Pa So, huyện Phong Thổ để tưởng nhớ những công lao của thế hệ TNXP đã tham gia mở đường.
Phát biểu kết luận buổi làm việc đồng chí Tống Thanh Hải-Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với đề xuất của Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đề nghị các bộ, ngành trung ương công nhận 56 trường hợp là cựu Thanh niên xung phong từ trần khi tham gia mở đường giai đoạn 1954-1956 sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã an táng tại Nghĩa trang Thanh niên xung phong xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ được công nhận là liệt sĩ theo quy định. Đồng thời đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hội cựu Thanh niên Xung phong tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức liên quan, các nhân chứng lịch sử, cung cấp đầy đủ thông tin để đối chiếu, bổ sung danh sách quản lý để làm cơ sở xác nhận cho các địa phương hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sỹ.
|