Thứ ba 20/5/2025
in trang
Dồn sức phòng,chống Dịch tả lợn Châu Phi ở Lai Châu
 

Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là hơn 2.000 con, trong đó có hơn 1.300 con mắc bệnh, gần 600 con chết và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy tại các huyện là hơn 68 tấn.

 

Nguyên nhân phát dịch là do thói quen sử dụng thịt không rõ nguồn gốc, thịt lợn bán rong, không được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn được bán ở các xã vùng sâu, vùng xa; phương tiện vận chuyển thức ăn, lợn thịt xuất chuồng vào trại không được tiêu độc khử trùng; con người, phương tiện ra vào vùng dịch là những nguyên nhân làm lây lan dịch.

 

Lai Châu là tỉnh thứ 20 có dịch tả lợn Châu phi; điều đáng quan tâm ở đây là địa bàn xuất hiện Dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu ở các xã, bản vùng xa, chăn nuôi chưa phát triển, giao thông đi lại không thuận lợi gây khó khăn cho công tác kiểm soát và xử lý các ổ dịch của các cơ quan chức năng, các cấp ủy chính quyền địa phương. Với quyết tâm không để lây lan dịch ra diện rộng và bảo vệ an toàn cho 04 huyện còn lại là Thành phố Lai Châu, huyện Mường Tè, huyện Than Uyên và huyện Tân Uyên các cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã và đang nổ lực triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khống chế và ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng.

 

  
 
Trong 4 huyện có Dịch tả lợn Châu Phi lan thì huyện Sìn Hồ là huyện có diễn biến phức tạp và lây lan nhanh nhất. Đến thời điểm nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã có 15 xã trên tổng số 21 xã có lợn mắc Dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi phát trên địa bàn huyện xuất hiện dịch, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cấp ủy chính quyền các địa phương tiến hành để khoanh vùng, tuyên truyền nhân dân vùng có dịch tuân thủ nghiêm các quy định về việc giết mổ lợn, sử dung các sản phẩm từ thịt lợn, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo đúng quy trình của pháp luật và tổ chức phun hóa chất đối với tất cả các phương tiện ra vào địa bàn. Huyện đã thành lập 26 chốt chặn kiểm soát dịch tại các tuyến đường vào huyện, phun hóa chất khử trùng tất cả các phương tiện ra vào; chỉ đạo các xã rà soát, thống kế lại toàn bộ số lượng đàn lợn.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường các tác truyền thông để người dân hiểu về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch và không buôn bán, vận chuyển các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn huyện.
Đến ngày 14/2, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 79 chốt kiểm dịch động vật, trong đó có 4 chốt kiểm dịch cấp tỉnh chốt chặn tại các tuyến quốc lộ ra vào tỉnh; 53 chốt cấp huyện tại các địa phương có dịch và 22 chốt tại các huyện chưa có dịch để quản lý chặt các chốt chặn kiểm soát động vật trực 24/24 (kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, ngày nghỉ). Tổng số lực lượng thường trực 500 người là cán bộ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, xã, bản. Các chốt kiểm dịch được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Bình phun, trang thiết bị bảo hộ lao động, thuốc để phục vụ cho việc tiêu độc, khử trùng các phương tiện ra vào các các địa bàn.
 
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã cấp cho các địa phương có dịch trên 10.000 lít hóa chất, 52 tấn vôi bột và trên 7.600 lít hóa chất để tiến hành phun trong tháng tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi.
 
Ông Phạm Anh Hùng- Chi cục trưởng chi cục chăn nuôi thú ý tỉnh cho biết thêm: Hiện nay tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi như: bà con vẫn chăn thả rông lợn; công tác tuyên truyền đã được triển khai nhưng nhiều người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tính chất, mức độ của dịch bệnh; địa bàn rộng, giao thông nhiều nơi gặp khó khăn nên việc chuẩn bị, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, dụng cụ, máy moác phục vụ công tác phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn và nhất là việc tiêu hủy lơn mặc bệnh.
 
Để người chăn nuôi có thể nhanh chóng ổn định đời sống, ngày 03/4, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 318 /QĐ-UBND về việc quy định cụ thể nội dung và mức hỗ trợ kinh phí tiêu huỷ lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh cụ thể mức hỗ trợ như sau: Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức 80% giá thị trường trên địa bàn tỉnh tháng 03/2019 (tương ứng với mức: 38.000 đồng/kg hơi); Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức bằng 1,8 lần so với mức hỗ trợ tại Điểm a, Khoản này (tương ứng mức 68.000 đồng/kg). Trường hợp dịch bệnh kéo dài, giá lợn hơi biến động tăng, giảm trên 20% mức giá nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp với giá thị trường.
Dịch bệnh xảy ra đã làm ảnh hưởng rất lớn về kinh tế đối với các nông hộ nên việc hỗ trợ một phần chi phí của tỉnh lúc này là rất cần thiết, trước mặt sẽ giúp các nông hộ khắc phục được phần nào khó khăn đã đầu tư và có thêm nguồn vốn tái đàn sau khi dịch bệnh kết thúc.

UBND tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách giao trong dự toán để thực hiện. Trường hợp sau khi đã sử dụng dự phòng ngân sách được giao để thực hiện hỗ trợ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp kinh phí thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
 
 
Sơn Tùng