Nhằm giảm tình trạng bị chó dại cắn trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh Dại.
Theo đó, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phải tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý đàn chó nuôi và phòng chống bệnh Dại ở động vật theo đúng quy định của Luật Thú y; rà soát, bổ sung, xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh Dại của địa phương; có giải pháp đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh Dại; ưu tiên việc triển khai tiêm vắc xin phòng Dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định tại Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 09/5/2018; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng.
Đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở tiến hành rà soát, thống kê chính xác hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình; lập sổ quản lý đàn chó, mèo và thường xuyên cập nhật bổ sung vào sổ quản lý khi có sự biến động; công khai tại cộng đồng hoặc thông báo danh sách những hộ nuôi chó thả rông hoặc không chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định; ban hành văn bản yêu cầu chủ vật nuôi phải khai báo, nuôi nhốt chó trong khuôn viên của gia đình; khi đưa chó ra đường, nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt, cấm thả rông chó. Thành lập đội chuyên trách tăng cường tuần tra bắt và xử lý động vật nghi dại, chó thả rông ở khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư, trường học...
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ chó mèo; kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh Dại; điều tra, xử lý các trường hợp chó dại cắn gây thương vong trên người.
Chỉ đạo việc áp dụng thực hiện nghiêm túc các chế tài xử lý vi phạm về nuôi chó, tiêm phòng vắc xin Dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ. Chủ động bố trí, hỗ trợ kinh phí cho các công tác tuần tra, tiêu hủy động vật nghi dại, chó thả rông (vô chủ); chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch, để đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống dịch bệnh xảy ra.
Triển khai chiến dịch truyền thông sâu, rộng trong cộng đồng dân cư về trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân khi tham gia nuôi chó; hướng dẫn, khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại; chú trọng tuyên truyền, phổ biến mức xử lý vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về nuôi chó và tiêm vắc xin phòng dại trên động vật, trách nhiệm dân sự khi không tiêm phòng dại để chó lên cơn dại cắn người gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại tại các huyện, thành phố; báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm điểm trách nhiệm đối với các địa phương thực hiện thiếu nghiêm túc, trách nhiệm.
Đồng thời thường xuyên phối hợp với cơ quan y tế, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác giám sát, phát hiện sớm và tổ chức xử lý triệt để các ổ dịch dại trên động vật, người và trong các hoạt động tập huấn, truyền thông phòng chống bệnh dại ở người và động vật.
Tăng cường quản lý trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại tới người dân.
Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan trong công tác giám sát bệnh Dại trên người, hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh Dại ở người; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại trên người tại các huyện, thành phố.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kịp thời người bị chó, mèo cắn xử lý vết thương, điều trị dự phòng bằng huyết thanh kháng dại và vắc xin Dại để ngăn ngừa người bị tử vong do chó, mèo cắn; kiểm tra, rà soát, tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng Dại; vận động người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh Dại.
Dự trữ kháng huyết thanh, vắc xin phòng bệnh Dại để tiêm kịp thời cho người dân khi có nhu cầu; dự trữ thuốc, trang thiết bị thiết yếu để cấp cứu, điều trị khi có người bị chó, mèo cào cắn.