Thứ bảy 17/5/2025
in trang
UBND tỉnh: Yêu cầu tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài
 

Ngày 23/7, UBND tỉnh ban chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.

 
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ chủ đầu tư của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện một số nội dung như:


Xây dựng danh mục dự án đầu tư phát triển ưu tiên, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó cân nhắc kỹ về hiệu quả, quy mô dự án khi đề xuất sử dụng vốn vay ưu đãi.

 
Rà soát các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trường hợp các dự án thẩm định không hiệu quả thì không đề xuất triển khai; ưu tiên tập trung nguồn vốn vay ODA cho các công trình, dự án trọng điểm.


Không sử dụng vốn vay nước ngoài đế nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; không sử dụng vốn vay để chi những khoản có tính chất chi thường xuyên và mua sắm ô tô, vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, các khoản thuế, chi phí lãi suất, các khoản phí nước ngoài thu trong thời gian xây dựng.


Đối với các chương trình, dự án đang thực hiện, rà soát và đề xuất cắt giảm những nội dung chưa thực sự cấp bách, khẩn trương có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để làm thủ tục điều chỉnh dự án, giảm vốn vay với nhà tài trợ.

 
Về nội dung các khoản chi sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc chương trình, dự án đã đàm phán, ký kết, các cơ quan chủ quan khẩn trương phân loại, đánh giá các nội dung chi của chương trình, dự án, trao đổi thống nhất với nhà tài trợ phương án cắt giảm và báo cáo cấp có thẩm quyền kèm đánh giá tác động của việc cắt giảm theo nguyên tắc:

 
Đối với hoạt động mua sắm trang thiết bị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; không sử dụng vốn vay để mua ô tô và trang thiết bị văn phòng.

 
Đối với hoạt động đào tạo theo các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc dự án. Cơ quan chủ quản dự án cần thực hiện rà soát lại chương trình đào tạo, cắt giảm các nội dung không thực sự cần thiết.

 
Chủ động rà soát, cắt giảm đối với hoạt động chi nghiên cứu, khảo sát, xây dựng chế độ, chính sách, tăng cường năng lực, chi hoạt động của Ban quản lý dự án; tính toán các hoạt động thiết yếu còn lại để vận hành dự án bố trí trong kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước, không sử dụng vốn vay cho các hoạt động này.
 
Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố lựa chọn chương trình, dự án phù hợp với nguyên tắc, định hướng thu hút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2018-2020 tại Văn bản số 1910/UBND-TM ngày 17/10/2017 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất chương trình, dự án.

 
Tham mưu bố trí đủ vốn vay và vốn đối ứng (gồm cả vốn đổi ứng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu; nguồn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) cho các chương trình, dự án nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách hàng năm.

 
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công trung hạn 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương hàng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện. Định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình huy động, quán lý và giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong nợ công, kiến nghị và triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

 
Các Ban Quản lý dự án và các huyện, thành phố thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các chương trình, dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
 

 
Bảo Ngọc