Thứ bảy 17/5/2025
in trang
Tăng cường công tác phòng, chống Sâu keo hại ngô
 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sâu keo đã xâm nhập và gây hại trên địa bàn tỉnh từ vụ Xuân Hè ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với diện tích nhiễm trên 2.300 ha. Dự báo trong thời gian tới, Sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên cây ngô và các cây trồng khác, nguy cơ giảm năng suất, sản lượng nếu không có các biện pháp quản lý phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

 

Ảnh minh hoạ.

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loài sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4 năm 2019, gây hại trên nhiều loại cây trồng, có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên rất khó khăn cho công tác phòng trừ. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do Sâu keo mùa thu gây ra, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành văn bản số 1532/UBND-KTN về tăng cường công tác phòng, chống Sâu keo hại ngô.

 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm Sâu keo mùa thu phát sinh trên ngô Thu Đông và trên các cây trồng khác; triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống kịp thời theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại, biện pháp kỹ thuật phòng trừ Sâu keo mùa thu đến nông dân; khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt Sâu trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ cao theo đúng hướng dẫn. Thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống Sâu keo mùa thu, tổng hợp, báo cáo kết quả công tác triển khai, thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng Sâu keo mùa thu gây hại làm mất mùa trên địa bàn do chủ quan, chỉ đạo triển khai thực hiện thiếu quyết liệt.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở bám sát cơ sở, phối hợp tốt với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ Sâu keo mùa thu kịp thời, hiệu quả. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức điều tra, đánh giá, xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với Sâu keo mùa thu; xây dựng các mô hình trình diễn sử dụng các biện pháp kỹ thuật để khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương đưa vào áp dụng. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tăng giá thuốc. Kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai của các huyện, thành phố; kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh giải pháp xử lý khi Sâu phát sinh gây hại trên diện rộng, vượt quá khả năng phòng chống của địa phương.

 

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức Hội các cấp tăng cường hướng dẫn về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại, biện pháp kỹ thuật phòng, chống Sâu keo mùa thu để người dân biết và chủ động thực hiện.

 
Đinh Lan