Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, những ngày qua các tỉnh miền núi phía bắc (nhất là các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng...) đã có rét đậm, rét hại, một số nơi xuất hiện băng tuyết, sương muối. Dự báo, khoảng ngày 30-12, các tỉnh phía bắc tiếp tục có đợt không khí lạnh nữa tăng cường, có nơi nhiệt độ xuống còn 3-5oC.
Không khí lạnh kéo dài kết hợp độ ẩm không khí cao làm cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng chống rét, làm giảm sức đề kháng khiến nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp, có điều kiện bùng phát. Ðể chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và hạn chế thấp nhất thiệt hại, các địa phương cần chủ động phòng, chống rét, khuyến cáo nhân dân che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa. Cần chủ động trong việc dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, bình quân mỗi con trâu, bò phải được ăn từ 5 đến 7kg rơm, cỏ khô/ngày. Ðối với trâu, bò sử dụng sức kéo, buổi sáng cần cho đi ăn muộn, về muộn; buổi chiều đi ăn sớm, về sớm. Các huyện miền núi tuyên truyền cho nhân dân trong những ngày trời rét không được thả rông trâu, bò. Cần bổ sung thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng và vi-ta-min để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi để có đủ năng lượng chống rét, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập. Ngoài ra, các địa phương cũng cần cử cán bộ thú y chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét, tiêm phòng vắc-xin chống các bệnh truyền nhiễm như: cúm, tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán, suyễn cho gia súc, gia cầm...
Rét đậm, rét hại cũng ảnh hưởng lớn đến cây trồng, làm cây sinh trưởng kém, thậm chí chết rét, nhất là những diện tích mạ đã được gieo để chuẩn bị cấy vụ đông xuân 2010-2011. Nếu nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 13oC và kéo dài sẽ làm các loại hạt giống rau màu thối hỏng, cây mạ ngừng sinh trưởng thân, lá. Khi nhiệt độ thấp dưới 10oC, rễ mạ ngừng sinh trưởng, không hút được nước và phân; nếu kéo dài trong 7-10 ngày, cây mạ và lúa mới cấy sẽ bị chết. Do vậy bà con nông dân cần bón phân, ka-li, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét. Riêng với mạ, khi nhiệt độ xuống dưới 13oC cần tưới ủ ấm, rắc tro bếp mỏng lên bề mặt luống mạ và không gieo mạ khi nhiệt độ dưới 15oC và phải được che chắn kín bằng ni-lông (không dùng loại ni-lông tối mầu sẽ làm giảm khả năng quang hợp của mạ). Khi nhiệt độ trong ngày lên cao hơn 20oC thì mở ni-lông ở hai đầu luống để mạ hấp thụ ánh sáng và quang hợp. Trong những ngày có sương muối giá buốt, nông dân cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng. Cần dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn để sẵn sàng gieo cấy bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy chết rét. Các loại rau màu như hành, ớt, cà chua, khoai tây xuân, bắp cải, su hào, su lơ... khi thời tiết có rét đậm, rét hại cũng cần tưới đủ ẩm và phun chất tăng trưởng cho rau màu 5-10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét, sâu bệnh gây hại.