Đó là nội dung của Thông tư liên tịchsố 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/6/2011, khái quát những nét cơ bản nhất về xây dựng nông thôn mới, từ đối tượng phạm vi áp dụng, các cách thức tổ chức triển khai, lập kế hoạch các chương trình, dự án tại các xã cho tới cơ chế quản lý các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới.
Hội thảo xây dựng nông thôn mới tại huyện Tam Đường
Theo đó Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC hướng dẫn cụ thể chi tiết nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nêu định hướng phối hợp tuyên truyền đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Thông tư đã thống nhất được cách hiểu về xây dựng nông thôn mới từ các cấp chính quyền cho tới người nông dân. Đã xây dựng được bộ nguyên tắc thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được quy định tại Quyết định số 491/QĐ – TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư quy định rõ việc phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã, bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. đồng thời xây dựng nông thôn mới phải có tính kế thừa và lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có quy hoạch và cơ chế đảm bảo thực hiện các quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảm bảo công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện các công trình, dự án của Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá. Bên cạnh đó Thông tư số 26 cũng đề cao vai trò của hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Thông tư cũng xác đinh rõ hệ thống quản lý, thực hiện chương trình từ Trung ương tới cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó Ban Chỉ đạo tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban và các thành viên có trách nhiệm giúp UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND huyện là Phó Trưởng ban. Thành viên gồm lãnh đạo các phòng, ban có liên quan của huyện có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình nông thôn mới trên phạm vi địa bàn huyện. Có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ xã rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn; tổng hợp chung báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ xã xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới; giúp UBND huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt đề án theo đề nghị của UBND xã. Đồng thời giúp UBND huyện quyết định đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 03 (ba) tỷ đồng trong tổng giá trị của công trình. Tổng hợp kế hoạch thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn hàng năm và 5 năm báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Đối với cấp xã Thông tư cũng quy định rõ căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hoặc không thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Trường hợp thành lập, thành phần Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Ngoài ra Thông tư cũng quy định nhiệm vụ quyền hạn cụ thể việc xây dựng nông thôn mới tới cấp thôn, bản, ấp. Tại cấp thôn được thành lập Ban phát triển thôn, thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm và năng lực tổ chức triển khai do cộng đồng thôn trực tiếp bầu và Chủ tịch UBND xã có quyết định công nhận (gồm người đại diện lãnh đạo thôn, đại diện các đoàn thể chính trị và hội ở thôn và một số người có năng lực chuyên môn khác liên quan đến xây dựng nông thôn mới ). Ban phát triển thôn có các nhiệm vụ và quyền hạn: Tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, phương pháp; các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, cộng đồng thôn trong quá trình xây dựng NTM. Triệu tập các cuộc họp, tập huấn đối với người dân theo đề nghị của các cơ quan tư vấn, tổ chức hỗ trợ nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về phát triển nông thôn. Tổ chức lấy ý kiến của người dân trong thôn tham gia góp ý vào bản quy hoạch, bản đề án xây dựng nông thôn mới chung của xã theo yêu cầu của Ban quản lý xã. Tổ chức xây dựng các công trình hạ tầng do Ban quản lý xã giao nằm trên địa bàn thôn (như đường giao thông, đường điện liên xóm, liên gia; xây dựng trường mầm non, nhà văn hóa thôn). Tổ chức vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua giữa các xóm, các hộ tập trung cải tạo ao, vườn, chỉnh trang cổng ngõ, tường rào để có cảnh quan đẹp. Tổ chức hướng dẫn và quản lý vệ sinh môi trường trong thôn; cải tạo hệ thống tiêu, thoát nước; cải tạo, khôi phục các ao hồ sinh thái; trồng cây xanh nơi công cộng, xử lý rác thải. Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, chống các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trong phạm vi thôn và tham gia các phong trào thi đua do xã phát động. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các hộ nghèo và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế tăng thu nhập, giảm nghèo. Tự giám sát cộng đồng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thôn. Thành lập các nhóm quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng các công trình sau khi nghiệm thu bàn giao. Đảm bảo an ninh, trật tự thôn xóm; Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, nội quy phát triển thôn.
Đối với cơ chế quản lý các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới Thông tư quy định rõ việc huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn trong đó vốn ngân sách( bao gồm của Trung ương và Địa phương), nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn tín dụng, bao gồm: Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn tín dụng thương mại; vốn đầu tư của doanh nghiệp; các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân trong xã; vốn huy động từ cộng đồng (các khoản đóng góp tự nguyện và viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước); và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với cơ chế quản lý vốn thông tư cũng quy định đối với nguồn vốn mà ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm từ 50% vốn trở lên cơ chế quản lý thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC. Đối với các đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn chiếm dưới 50% vốn thì cơ chế quản lý do Ban quản lý xã và nhà tài trợ (nếu có) tự quy định. Đối với đối tượng sử dụng vốn ODA thì thực hiện theo Hiệp định ký kết với đối tác cấp ODA.