Thứ hai 28/7/2025
in trang
Nông nghiệp Lai Châu – Tín hiệu vui
 
(BLC) - Trên cánh đồng Mường So (huyện Phong Thổ) những ngày cuối năm, tiếng nói cười rộn rã, tiếng bàn tán xôn xao về giống lúa có năng suất cao nhất từ trước đến nay mới được triển khai thí điểm tại xã…
Chị Teo Thị Nê ở bản Huổi Bảo cho biết: “Vụ mùa vừa qua, nông dân các xã: Mường So, Khổng Lào được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) triển khai thử nghiệm mô hình gieo sạ giống lúa lai mới: LC270, LC25, LC212 trên diện tích 15ha. Ngày mới triển khai mô hình, bà con ai cũng lo vì chất đất nơi đây vốn nhiều cát lại pha lẫn sỏi đá… Nhưng sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, lại có cán bộ Sở NN&PTNT trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng bệnh cho lúa nên chúng tôi đã yên tâm tham gia. Vào vụ thu hoạch, năng suất lúa cao hơn mong đợi, đạt 60 tạ/ha (tăng 15 tạ/ha so với giống lúa địa phương đang gieo cấy).
Nhờ đưa giống lúa lai vào sản xuất, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nông dân huyện Phong Thổ đã có những vụ lúa bội thu.
Ông Đào Ngọc Hưởng – Giám đốc Sở NN&PTNT cho chúng tôi biết: "Để đạt và vượt các chỉ tiêu sản xuất của ngành, trong năm qua, Sở NN&PTNT đã coi trọng công tác khuyến nông, thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật với phương châm gắn lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, các mô hình thí điểm đều được triển khai trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Qua tham gia thực hiện mô hình, người dân có cơ hội học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất”.
Theo phương thức này, ngành Nông nghiệp đã tổ chức 15 lớp tập huấn kết hợp xây dựng mô hình thí điểm chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp cho gần 1.000 lượt nông dân tham gia. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình lúa nương trên đất đồi cao su triển khai tại xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) mô hình ngô Paxêvích - một giống ngô lai mới đưa từ miền xuôi lên với cách trồng hoàn toàn mới. Trước đây bà con trồng 1 hàng thì nay giống ngô này được trồng thành 2 hàng đơn và 1 hàng kép với mật độ trên 60.000 cây/ha, kết quả thí điểm năng suất đạt gần 70 tạ/ha (tăng 20 tạ/ha). Ngoài ra, ngành còn tổ chức thí điểm thành công các mô hình: tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá vược, cá hồi, cá tầm… tại các huyện: Than Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ…
Việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ đó tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt từ 155.028 tấn (năm 2009) lên 159.769 tấn. Đến nay, Lai Châu cơ bản đã đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, một phần lương thực đã xuất ra ngoài tỉnh và sang nước bạn Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh triển khai xây dựng các cánh đồng 40 – 50 triệu đồng/ha tại các huyện: Than Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ cùng với hình thành vùng chè nguyên liệu ở Than Uyên, Tam Đường đã góp phần đưa nông nghiệp Lai Châu từ chỗ sản xuất tự cung, tự cấp chuyển dần sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Trong chăn nuôi, ngành cũng tích cực chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò, lợn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn và chủ động cung ứng thuốc thú y, hướng dẫn nhân dân tiêm phòng dịch bệnh… Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng đạt 6,2%/năm. Bên cạnh đó, việc bổ sung và thực hiện tốt một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi nên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò, dê có quy mô từ 100 con trở lên như: mô hình nuôi lợn của gia đình các ông Nguyễn Văn Cận ở xã Thèn Sin (huyện Tam Đường); Nguyễn Thanh Phong ở xã San Thàng (thị xã Lai Châu); mô hình nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Mười ở xã Sơn Bình (huyện Tam Đường)…
Nét nổi bật trong nuôi trồng thủy sản là việc khai thác, mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm - loại cá có giá trị kinh tế cao hiện đã được triển khai tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ với sản lượng xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 60 tấn cá thương phẩm/năm… góp phần nâng sản lượng cá thương phẩm các loại xuất bán đạt gần 1.300 tấn/năm. Từ việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều gia đình đã có kinh tế khá giàu, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn…
Đánh giá về kết quả đạt được trong năm qua, ông Đào Ngọc Hưởng – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Những kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2010 là tiền đề để các mô hình cây, con giống mới tiếp tục đơm hoa kết trái. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững cần tập trung đầu tư cho sản xuất và hỗ trợ sản xuất; khai thác có hiệu quả lợi thế của từng địa phương; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình nông thôn mới, từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái”.
 
Theo BaoLaiChau.vn